TP. HCM: Sẽ có ô tô trung chuyển hàng khách đi và đến 5 bến xe liên tỉnh

Phương tiện tiếp chuyển là xe khách có phù hiệu xe hợp đồng, sức chứa từ 29 chỗ trở xuống, thời gian vận chuyển xuyên suốt 24 giờ trong ngày và tất cả các ngày trong tuần, kể cả lễ Tết. Chi phí sẽ được tính vào cơ cấu giá cước (giá vé).

Nhằm tạo thuận lợi trong việc di chuyển của người dân, giảm ách tắc giao thông, mới đây Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đã đề nghị Tổng Công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) phối hợp tổ chức phương án tiếp chuyển hành khách đi và đến các bến xe khách liên tỉnh.

Theo đó, mô hình tổ chức tiếp chuyển hành khách sử dụng phần mềm, ứng dụng trên điện thoại thông minh với việc tương tác giữa các bên liên quan (bến xe, doanh nghiệp vận tải, đơn vị trung gian...) để tổ chức đưa đón khách.

xe-tiep-chuyen-1726634550.jpg
TP. HCM sẽ triển khai ô tô trung chuyển hàng khách đi và đến 5 bến xe liên tỉnh

Khách có nhu cầu đi lại sẽ tải ứng dụng, đăng ký thông tin, theo dõi lộ trình xe trung chuyển. Hành khách sẽ được đón, trả tại các điểm cố định ở khu vực bến xe, trung tâm thương mại, bệnh viện, các điểm theo nhu cầu thực tế..., do đơn vị vận tải và bến xe phối hợp tổ chức, được cập nhật trên phần mềm tiếp chuyến.

Phương tiện tiếp chuyển là xe khách có phù hiệu xe hợp đồng, sức chứa từ 29 chỗ trở xuống. Thời gian vận chuyển xuyên suốt 24 giờ trong ngày và tất cả các ngày trong tuần, kể cả lễ Tết. Chi phí sẽ được tính vào cơ cấu giá cước (giá vé).

Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho hay, việc triển khai tiếp chuyển hành khách ra bến xe liên tỉnh sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu sẽ áp dụng tại Bến xe Miền Đông mới (TP. Thủ Đức). Việc tiếp chuyển được tổ chức tại một số khu vực trung tâm thành phố gồm các quận 1, 3, 5, 7, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp và TP. Thủ Đức.

Dựa vào nhu cầu đi lại của hành khách, Samco sẽ chủ động phối hợp cùng các đơn vị vận tải mở rộng phạm vi hoạt động đến các quận, huyện.

Giai đoạn 2 sẽ áp dụng tại các bến xe liên tỉnh còn lại là An Sương, Ngã tư Ga, Miền Tây, Miền Đông. Thời gian triển khai dự kiến trong năm 2025 hoặc khi việc tổ chức tiếp chuyển đi - đến Bến xe Miền Đông mới ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.

xe-tiep-chuyen-1-1726634549.jpg
Giai đoạn đầu triển khai tiếp chuyển hành khách sẽ thực hiện tại Bến xe Miền Đông mới

Phương án tiếp chuyến sẽ giúp hành khách đi lại dễ dàng hơn cũng như giảm chi phí trong điều kiện các bến xe liên tỉnh ở xa nội thành. Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, phương án nếu triển khai thuận lợi sẽ góp phần hạn chế tình trạng "xe dù, bến cóc" ở khu nội thành.

Cuối năm 2022, sau khi Bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động, hàng loạt hãng xe đã bỏ vị trí này để đến các bến xe khác hoặc ra ngoài "chạy dù". Trong khi đó, lượng khách về Bến xe Miền Đông mới còn hạn chế do đi lại chưa thuận lợi, phương tiện trung chuyển còn hạn chế.

Thực tế, nhiều người cho biết không chọn Bến xe Miền Đông mới vì đi từ đây về quê mất nhiều thời gian hơn. Anh Trần Thanh Nguyên (quận 3) cho biết, ngày trước anh đi từ TP. HCM về quê ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) chỉ mất 4 tiếng rưỡi. Nhưng sử dụng xe trung chuyển, anh tốn tới 7 - 8 tiếng mới về đến nhà.

Còn chị Nguyễn Thị Linh Anh (quận 5) chia sẻ, chị đi từ Bến xe Miền Đông cũ về quê Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ tốn khoảng 2 tiếng. Trong khi đi từ Bến xe Miền Đông mới, tính cả thời gian trung chuyển mất tới hơn 5 tiếng. Thời gian di chuyển nhiều gấp đôi, lại thêm lách cách chuyển xe nên nhiều người mới không mặn mà tới Bến xe Miền Đông mới.

Chị Linh Anh nói thêm, xe trung chuyển chạy lòng vòng vừa mất thời gian vừa tốn thêm tiền. Tốt nhất, các bến xe và hệ thống xe công cộng như bus, metro... có thể kết nối đảm bảo vận chuyển hợp lý sẽ tốt hơn rất nhiều.