TP. HCM: Sẽ mở làn đường ưu tiên riêng cho xe đạp, thuận tiện kết nối với tuyến metro

Sở Giao thông Vận tải TP. HCM lưu ý phương án tổ chức làn ưu tiên cho xe đạp phải có sơ đồ mạng lưới kết nối các nhà ga metro, bến bãi, khu đô thị dọc tuyến metro, trung tâm thương mại, điểm du lịch...

Mới đây, trong thông báo kết luận của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM Trần Quang Lâm có nội dung,thành phố sẽ nghiên cứu làm làn ưu tiên cho xe đạp ở trung tâm và đường Mai Chí Thọ. Theo đó, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ hoàn chỉnh phương án tổ chức các tuyến đường có làn ưu tiên này.

Sở lưu ý phương án phải có sơ đồ mạng lưới kết nối các nhà ga metro, bến bãi, khu đô thị dọc tuyến metro, trung tâm thương mại, điểm du lịch... gắn với giải pháp tổ chức giao thông, thiết kế mẫu cho từng tuyến đường, bố trí đầy đủ vạch sơn biển báo và kết nối an toàn tại các giao lộ hoặc điểm qua đường. Phương án hoàn thiện trình trước ngày 30/7 để lấy ý kiến các sở ngành liên quan.

xe-dap-1-1721346265.jpg
TP. HCM sẽ triển khai làn đường ưu tiên cho xe đạp

Làn ưu tiên xe đạp tại các tuyến đường đủ điều kiện ở khu vực trung tâm thành phố thực hiện bằng nguồn kinh phí chi thường xuyên. Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ xây dựng kế hoạch triển khai các bước thực hiện dự án để bảo đảm hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay trong năm 2024.

Cùng với khu vực trung tâm, làn ưu tiên xe đạp trên tuyến đường Mai Chí Thọ cũng cần nghiên cứu lập phương án tổ chức để đưa vào sử dụng trong năm 2024. Phương án trình trước ngày 30/7.

Bên cạnh đó, Phòng quản lý vận tải chủ trì phối hợp cùng Trung tâm Quản lý giao thông công cộng nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách chuyển đổi và phát triển phương tiện phi cơ giới, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống xe đạp công cộng. Nội dung cơ chế đưa vào đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông tại TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 để làm cơ sở thực hiện.

TP. HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai dịch vụ xe đạp công cộng. Ngay khi bắt đầu thí điểm, dịch vụ này đã thu hút rất đông người dân, du khách sử dụng. Từ khi bắt đầu thí điểm ngày 16/12/2021 đến ngày 31/10/2023, dịch vụ xe đạp công cộng tại TP. HCM đã có gần 300.000 người đăng ký. Tổng lượt đi hơn 475.805 chuyến (706 chuyến/ngày).

Ban đầu dịch vụ này mở tại khu vực trung tâm thành phố với 43 vị trí và khoảng 500 xe đạp. Vào tháng 5 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đã công bố thêm 80 vị trí đủ điều kiện bố trí trạm xe đạp công cộng phục vụ người dân trên địa bàn quận 1, quận 4. Hiện thành phố đang tiếp tục triển khai mô hình này tại tất cả quận, huyện và TP. Thủ Đức.

Thuê xe đạp công cộng rất đơn giản, người dân chỉ cần có điện thoại di động kết nối mạng là tìm vị trí để xe đạp, sau đó quét app để mở khóa, thuê xe. Sau khi sử dụng xong, người dân có thể đưa xe về trạm xe gần nhất.

xe-dap-1721346265.jpg
Tháng 5 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đã công bố thêm 80 vị trí đủ điều kiện bố trí trạm xe đạp công cộng

Việc thí điểm được đánh giá phù hợp đề án tăng tính vận tải hành khách công cộng với kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân tại TP. HCM. Dịch vụ xe đạp công cộng cũng phù hợp với định hướng từ Chính phủ và TP. HCM trong phát triển giao thông xanh, giảm phát thải.

Kế hoạch lâu dài, xe đạp công cộng sẽ hoạt động theo hướng xã hội hóa, phù hợp với quy định, mức phí liên quan đến thuê vỉa hè đã được ban hành. Qua đó, thành phố khuyến khích người dân sử dụng xe đạp nhiều hơn như giải pháp giao thông xanh.

TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng đang triển khai hoàn thiện dành một phần vỉa hè để làm làn đường riêng cho xe đạp. Huế mong muốn người dân có làn xe đạp lưu thông an toàn, thuận lợi hơn, đồng thời đưa đến không gian xanh, thân thiện với môi trường. 

Trong khi đó, nhiều thành phố ở châu Âu và Bắc Mỹ đã có làn đường ưu tiên riêng cho xe đạp được gọi "raised cycle tracks" (tạm dịch: làn dành cho xe đạp cao hơn mặt đường). "Raised cycle tracks" được tách biệt với các phương tiện giao thông cơ giới, có thể cao ngang với vỉa hè liền kề nó, hoặc trung bình giữa lòng đường và vỉa hè để tách biệt ra. Tại những giao lộ, "raised cycle tracks" sẽ dốc xuống để nhập vào làn đường xe cơ giới, hoặc được duy trì ngang bằng vỉa hè - nơi người đi xe đạp sẽ băng qua theo tín hiệu đèn dành riêng cho xe đạp.