Mới đây, UBND TP. HCM đã có văn bản về các công trình dự án thi đua tiêu biểu cấp thành phố nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Trong đó, TP. HCM có nhắc tới Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cụ thể là cột mốc thời gian giải quyết bồi thường cho các khu chức năng B, C, D, E.
Căn cứ vào văn bản trên, các khu chức năng còn lại của Phú Mỹ Hưng dự kiến sẽ phê duyệt phương án bồi thường tới thời điểm ngày 30/4/2025. Đồng thời UBND TP. HCM gọi các khu B, C, D, E của Phú Mỹ Hưng là khu Phú Mỹ Hưng 2.
Được biết, trước kia Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là khu vực đầm lầy, phèn chua nước mặn của TP. HCM. Năm 1993, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (chủ đầu tư dự án) đã chi 2 triệu USD để tổ chức cuộc thi thiết kế quy hoạch Đô thị mới với sự tham gia của các nhà quy hoạch kiến trúc hàng đầu thế giới.
Năm 1996, cơ sở hạ tầng đô thị Phú Mỹ Hưng bắt đầu được xây dựng. Toàn bộ Khu đô thị Phú Mỹ Hưng có khoảng 750ha, nằm song song với TP. HCM về phía Nam và dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh.
Theo giấy phép đầu tư, khu Phú Mỹ Hưng sẽ xây dựng 5 khu chức năng gồm A, B, C, D, E. Trong tổng số 750ha có 600ha là diện tích các khu chức năng, 150ha đất công để san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng sau đó chuyển giao không bồi hoàn cho TP. HCM để xây các công trình công cộng.
Khu A hay còn gọi là trung tâm đô thị mới đã được xây dựng có diện tích 433ha. Khu B là khu Làng Đại học quy mô 85ha; Khu C - khu Trung tâm Kỹ thuật cao rộng 46ha; Khu D - trung tâm Lưu thông Hàng hóa II với 85ha; Khu E - trung tâm Lưu thông Hàng hóa có diện tích 115ha.
Khu B gần rạch Đĩa và rạch ông Lớn hiện đã có 2 trường quốc tế là VFIS (Phần Lan) và RMIT (Autralia).
Khu C nằm nằm tại giao lộ Nguyễn Văn Linh và Hương lộ 7 (thuộc phường 7, Q. 8). Trong tương lai, khu C sẽ là nơi tập trung các nhà máy liên quan đến công nghiệp kỹ thuật cao nhưng hiện nay vẫn là ao hồ, đầm lầy. Người dân sống ở đây bằng nghề nuôi cá, tôm, kinh doanh dịch vụ câu cá, buôn bán nhỏ lẻ...
Khu D nằm tại ngã ba sông Chợ Đệm và sông Cần Giuộc. Trong khu D có hàng trăm ngôi nhà cấp bốn của các hộ dân vẫn sinh sống trong tình trạng quy hoạch treo nhiều năm qua.
Khu E nằm tại giao lộ Quốc lộ 1 và đại lộ Nguyễn Văn Linh. Sau hơn 30 năm, kỳ vọng về một trung tâm lưu thông hàng hóa của khu vực vẫn “bất động”.
Báo cáo cuối kỳ Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 chỉ rõ sẽ mở rộng khu vực trung tâm Phú Mỹ Hưng thành trung tâm của đô thị phía Nam.
Cụ thể sẽ chuyển đổi các khu công nghiệp ven sông; tái phát triển không gian ven các kênh rạch; hình thành hệ thống trung tâm đô thị dọc sông/kênh, quanh các ga giao thông công cộng…
Thông tin từ BQL Khu Nam TP. HCM, hiện 4 phân khu chức năng B, C, D, E vẫn chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngoài ra tại đây còn vướng mắc về xác định trách nhiệm bồi thường. Đây chính là nguyên nhân khiến việc triển khai bị gián đoạn.
Với vấn đề này, UBND TP. HCM đã tiến hành lập Tổ công tác liên ngành do Sở KH&ĐT làm Tổ trưởng. Hiện Sở KH&ĐT đang tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan để báo cáo, tham mưu UBND TP. HCM.
Tính tới năm 2020, dân số tại khu Phú Mỹ Hưng khoảng 40.000 người. Đáng chú ý tại đây có khoảng 50% cư dân là người nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Không chỉ là khu đô thị kiểu mẫu bậc nhất Việt Nam, là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, khoa học, văn hóa, giáo dục, cư trú, giải trí. Khu đô thị Phú mỹ Hưng còn góp phần tạo ra việc làm cho phần lớn khối lượng người lao động; tạo nguồn thuế đóng góp cho xã hội; góp phần tăng trưởng kinh tế của TP. HCM. Đồng thời, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tăng cường khả năng kết nối giao thông giữa Q.7, Bình Chánh và Nhà Bè.