Chị Nguyễn Phương Thảo Nguyên (37 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP. HCM) cho biết, vài ngày trước, chị mua một hộp bún xào tại một gánh hàng rong vỉa hè trên đường đến công ty để ăn sáng. Sau khi ăn bún xào, chị Nguyên bắt đầu có dấu hiệu đau bụng, nôn ói, hoa mắt, chóng mặt. Đồng nghiệp đã đưa chị đến một phòng khám đa khoa gần công ty để khám. Tại đây, chị được nhận định bị ngộ độc thực phẩm. Bác sĩ đã kê đơn thuốc hỗ trợ tiêu hóa và chỉ định chị Nguyên phải nghỉ ngơi 2 ngày tại nhà.
Chị Nguyên chia sẻ, đây không phải lần đầu chị bị ngộ độc thực phẩm khi ăn mua đồ ăn ở vỉa hè. Tuy nhiên, chưa lần nào chị bị nặng như lần này. Những lần trước, chị chỉ bị đau bụng, sau khi uống thuốc tiêu hóa sẽ đỡ dần. Qua lần này, chị sẽ cẩn trọng hơn khi chọn quán mua đồ ăn.
Mới đây, 3 người trong một đoàn múa lân tại quận Bình Tân (TP. HCM) cũng có các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm sau khi ăn xôi và cơm gà xối mỡ mua tại các tiệm ăn ven đường.
Nhằm kiểm soát tình trạng này, mới đây Sở An toàn thực phẩm TP. HCM đã có văn bản khẩn gửi các địa phương và đơn vị liên quan để triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn và phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Sở An toàn thực phẩm TP. HCM cho biết, trên địa bàn TP. HCM thời gian qua đã xảy ra các sự cố liên quan an toàn thực phẩm khiến nhiều người nhập viện. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ ngộ độc là do thời tiết nắng nóng tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển hoặc do ăn/uống phải các thực phẩm không đảm bảo an toàn (như rượu có chứa methanol, sản phẩm có chứa độc tố botulinum, con so biển, cá nóc…).
Sở đề nghị UBND thành phố Thủ Đức và quận, huyện xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm phù hợp với thực tế địa bàn. Đặc biệt, chú trọng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8.
Sở An toàn thực phẩm cũng đề nghị Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục- đào tạo, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố cùng cơ quan liên quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm phù hợp và giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm.
Đồng thời, sẵn sàng phương án, lực lượng để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, xử lý, khắc phục hậu quả khi có sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên tuyền các nội dung liên quan bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm…
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP. HCM cho biết, đặc trưng thời tiết của mùa nắng nóng là nhiệt độ và độ ẩm cao. Đây là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, dễ làm thức ăn ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận. Thời tiết nắng nóng cũng khiến nhiều người ngại nấu ăn, chọn mua các loại thức phẩm đường phố không đảm bảo vệ sinh, không được bảo quản đúng cũng, từ đó gây ra ngộ độc thực phẩm.
Đồng quan điểm, TS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai - giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đánh giá, nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm cao hơn trong thời tiết nắng nóng là do sự phát triển mạnh của vi khuẩn gây bệnh trong thức ăn, đặc biệt thức ăn đã chế biến, nấu chín không được bảo quản đúng cách.
Ngoài ra, những tác động từ môi trường như khói xe hoặc chất ô nhiễm trong không khí cũng có thể bám thức ăn gây độc cho người dùng. Hay việc người sản xuất, kinh doanh đồ ăn lạm dụng hóa chất, phụ gia trong bảo quản, chế biến thực phẩm… cũng dẫn đến gây ra ngộ độc thực phẩm.