Trong buổi họp báo kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 5 vừa qua, Đại tá Huỳnh Ngọc Quang - Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an TP. HCM cho biết, từ 15/12/2023 đến 14/5/2024, thành phố đã xảy ra 234 vụ cháy, làm chết 10 người, bị thương 4 người. Ước tính thiệt hại tài sản là hơn 5 tỷ đồng.
Công an TP. HCM đã rà soát địa bàn, phát hiện 60.493 cơ sở thuộc loại hình nhà chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, nhà trọ, ngăn phòng cho thuê có nguy cơ cháy nổ cao. Trong đó, đáng báo động là có tới 55.446 cơ sở thuộc loại hình nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, 32 nhà ở nhiều căn hộ, 1.345 cơ sở thuộc loại hình nhà chung cư và 3.670 nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.
Từ vụ cháy nhà trọ ở Hà Nội khiến 14 người thiệt và tình trạng thực tế trên địa bàn, mới đây, UBND TP. HCM đã có công văn gửi các sở, ban, ngành, địa phương về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy (PCCC) với loại hình nhà ở nhiều căn hộ của cá nhân, hộ gia đình; cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi giao Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức cùng các cơ quan, đơn vị liên quan chấp hành nghiêm, đầy đủ quy định của pháp luật với công tác thẩm định, cấp giấy phép xây dựng các công trình có yêu cầu thiết kế, thẩm duyệt về PCCC.
Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ các điều kiện cấp giấy phép xây dựng với các loại hình nhà ở nhiều căn hộ của cá nhân, hộ gia đình, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng được yêu cầu tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, PCCC, quản lý chất lượng công trình, trật tự xây dựng. Hoạt động này kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp được cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ đơn thuần, nhưng sau khi xây dựng hoàn thành lại thực hiện bán hoặc cho thuê theo hình thức nhà nhiều tầng, nhiều căn hộ.
Chủ tịch thành phố yêu cầu kiên quyết xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm; tổ chức cưỡng chế, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn đọng theo quy định; tuyệt đối không để các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng mà không được kịp thời xử lý, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn và đời sống người dân.
Lãnh đạo TP. HCM giao Công an thành phố thực hiện nghiêm việc thẩm duyệt thiết kế PCCC công trình, đảm bảo thực hiện đúng quy định về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).
Ngoài ra, Công an thành phố xây dựng cơ chế liên lạc, phối hợp thuận tiện, chặt chẽ với Sở Xây dựng, các địa phương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan để kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu trong quá trình thực hiện thẩm định, cấp giấy phép xây dựng với công trình có yêu cầu thẩm duyệt PCCC.
Thường xuyên kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ với các loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao. Tiếp tục hướng dẫn, tập huấn kỹ năng PCCC cho người dân tại các khu vực có nguy cơ cháy nổ.
Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn cháy, nổ theo quy định.