Trong họp báo về tình hình kinh tế xã hội mới đây nhất, ông Nguyễn Quang Huy - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. HCM cho biết, cơ quan này đã yêu cầu các đội quản lý thị trường rà soát và giám sát chặt chẽ những đối tượng liên quan đến kinh doanh vàng nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng thẩm quyền. Doanh nghiệp đang kinh doanh hay đóng cửa tạm ngừng bán vẫn có thể bị cơ quan này kiểm tra.
Động thái trên diễn ra sau công điện của Thủ tướng về tăng cường các biện pháp với thị trường vàng.
Tại TP. HCM, những ngày gần đây, nhiều cửa hàng vàng bất ngờ đóng cửa. Ông Nguyễn Quang Huy cho hay, do quy định của pháp luật không bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh vàng có trách nhiệm thông báo về thời gian và lý do ngừng bán nên chưa có căn cứ xác định chính xác lý do họ tạm ngưng mua bán.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, các cửa hàng tạm ngừng kinh doanh để né đợt kiểm tra của Cục Quản lý thị trường TP. HCM.
Tính đến ngày 25/4, lực lượng quản lý thị trường TP. HCM đã ra quân kiểm tra 17 cơ sở kinh doanh vàng. Qua đó, cơ quan chức năng đã phát hiện và tạm giữ 644 sản phẩm vàng gồm nhẫn, lắc đeo tay, dây chuyền, mặt dây chuyền không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. Các sản phẩm này có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng. Số vàng bị tạm giữ có giá trị hơn 581 triệu đồng.
Theo quy định, lực lượng quản lý thị trường có 3 hình thức kiểm tra các tiệm vàng: Theo định kỳ, chuyên đề và đột xuất khi có thông tin về hành vi hoặc dấu hiệu vi phạm. Ông Nguyễn Quang Huy thông tin, Cục Quản lý thị trường TP. HCM đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM triển khai kế hoạch kiểm tra chuyên đề với mặt hàng vàng.
Thời gian qua, thị trường vàng trong nước biến động chóng mặt, chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới vẫn ở mức cao. Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xử lý để đảm bảo cung cầu và giá vàng hợp lý hơn.
Nhằm tăng nguồn cung để ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC. Phiên đấu thầu vàng đầu tiên đã xác định được 2 đơn vị trúng thầu là Ngân hàng ACB và Công ty SJC với 3.400 lượng vàng được bán. Phiên đấu thầu thứ 2 theo kế hoạch diễn ra vào 25/4, tuy nhiên đã bị hủy bỏ do chỉ có 1 đơn vị đăng ký đấu thầu.
Giá vàng miếng có xu hướng trồi - xụt khó nắm bắt thời điểm trước và sau mỗi phiên đấu giá của Ngân hàng Nhà nước. Trước đấu thầu, giá vàng miếng neo quanh mốc 82 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 84 triệu đồng/lượng chiều bán. Nhưng kết phiên ngày 26/4, giá vàng miếng SJC tăng vọt khi các doanh nghiệp lớn niêm yết mức 83 - 85,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Như vậy, giá tăng 1,5 triệu đồng ở chiều mua vào và tăng 1,4 triệu đồng ở chiều bán ra so với giá mở cửa. Chênh lệch giữa chiều mua và bán ở mức 2,2 triệu đồng. Giá bán ra của vàng miếng SJC gần chạm vùng kỷ lục. Ngày 15/4, giá vàng miếng SJC đã đạt mức cao nhất là 85,5 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn được niêm yết ở mức 73,8 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 75,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 550.000 đồng mỗi chiều so với lúc mở cửa buổi sáng.
Đại diện một công ty kinh doanh vàng cho biết, nhu cầu mua vàng trong ngày 26/4 vẫn tiếp tục tăng cao, trong khi nguồn cung trên thị trường lại không có. Sau thông tin buổi đấu thầu vàng bị hủy vào ngày 25/4, một số đơn vị có vàng không vội bán ra trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày. Chính vì cung - cầu mất cân đối nên giá vàng trong nước mới tăng nhanh.