Theo thống kê, tại TP.HCM bình quân cứ 2,7 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn. Điều đáng lo ngại là những hậu quả tiêu cực mà ly hôn mang lại cho con cái. Khi cha mẹ chia tay, trẻ em thường cảm thấy hoang mang, lo lắng, mất mát và thiếu thốn tình cảm. Nhiều trẻ có thể gặp phải các vấn đề về hành vi, học tập và hòa nhập xã hội.
Chưa kể, nhiều em khi sống cùng cha dượng hoặc mẹ kế đã trở thành nạn nhân của những vụ bạo hành thương tâm. Tiêu biểu như vụ bé gái N.T.V.A (8 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị "mẹ kế" Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1995) dùng chân, tay, cây gỗ, roi, thanh kim loại đánh đập dã man trong nhiều ngày dẫn đến tử vong thương tâm.
Ngày 7/6 vừa qua, tại Hội nghị tuyên truyền về chính sách pháp luật lĩnh vực bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới do Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) tổ chức, trẻ bị ảnh hưởng sau khi bố mẹ ly hôn là một trong những vấn đề được đề cập tới.
Chia sẻ hội nghị, ông Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM dẫn số liệu, trung bình 1 năm, mỗi quận huyện tại TP.HCM có 1.000 cặp ly hôn. Nếu mỗi cặp có 1 đứa con thì cả ngàn đứa trẻ sẽ phải sống thiếu mẹ hoặc cha. Chức năng gia đình không còn hoàn thiện sẽ ảnh hưởng đến sự chăm sóc, dạy dỗ, bảo vệ đứa trẻ.
Bên cạnh đó, ông Tính đề cập đến việc cha mẹ bận rộn, không có thời gian quan tâm con cái. Ông chia sẻ một khảo sát mà ngành vừa thực hiện trên 900 gia đình đủ thành phần, từ công chức, viên chức, cán bộ cho đến công nhân, người lao động… Kết quả cho thấy, các bậc cha mẹ trong mỗi gia đình chỉ dành khoảng 15 phút mỗi ngày để chia sẻ, tâm tình với con. Rất hiếm gia đình dành cho con từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ mỗi ngày.
Theo ông, gia đình là điểm tựa để con trẻ chia sẻ, tìm sự chở che và học hỏi làm người. Vì vậy, nếu cha mẹ thiếu sự quan tâm đến con cái hoặc có hành vi giáo dục sai lệch sẽ khiến trẻ hình thành thói quen xấu, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách. Đứa trẻ thiếu sự quan tâm, không được gia đình bảo vệ có thể phải đối mặt với những vấn đề xã hội đau lòng như bạo hành, xâm hại trẻ em.
Vị chuyên gia kể lại những vụ án mình từng tham gia xét xử tại tòa án thành phố. Trong đó, có nhiều vụ trẻ bị xâm hại nhiều tháng trời nhưng cha mẹ không hề hay biết.
Để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em, ông Tính cho rằng mỗi người cần nỗ lực xây dựng gia đình hạnh phúc, có sự gắn kết, cha mẹ cần phải dành thời gian quan tâm, dạy dỗ con. Khi được sống trong một gia đình hạnh phúc, con trẻ được chăm sóc, bảo vệ thì khó xảy ra các vấn nạn xâm hại, bạo hành.
Trước đó, trong bối cảnh các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em có diễn biến phức tạp, gây bức xúc dư luận, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Ưu tiên bố trí nguồn lực, đảm bảo việc can thiệp, hỗ trợ khi trẻ bị xâm hại, bạo lực. Yêu cầu nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã nắm bắt tình hình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn như trẻ có cha mẹ ly hôn, ly thân, đi làm ăn xa…. Từ đó kịp thời phát hiện các trường hợp trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.