TP.HCM: Giảm hạn mức đất ở tại nhiều quận, huyện

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, TP Thủ Đức và quận 12, 7, Bình Tân có tốc độ đô thị hóa cao, quỹ đất không còn nhiều nên giảm hạn mức đất ở xuống còn 160m2 thay vì 200m2 như hiện tại.

Nội dung này được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. HCM gửi các cơ quan liên quan góp ý triển khai. Việc điều chỉnh áp dụng với các hộ, cá nhân sử dụng đất trước 15/10/1993 trên địa bàn thành phố.

Theo Sở TN&MT, hiện TP Thủ Đức và quận 7, 12, Bình Tân có hạn mức đất ở tối đa 200 m2 mỗi hộ. Với dự thảo quy định mới, hạn mức đất ở tại 4 địa bàn này còn 160 m2, tương đương các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú.

Ngoài những địa bàn trên, các khu dân cư nông thôn thuộc huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bé, hạn mức mới được đề xuất không quá 250m2, thay vì 300m2 mỗi hộ, cá nhân như hiện nay. Riêng các thị trấn thuộc 5 huyện ngoại thành hạn mức đất ở không thay đổi là tối đa 200m2.

thu-duc-1721623039.jpg

TP Thủ Đức cùng các quận 7, 12, Bình Tân đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu phát triển nhà ở tương tự quận nội thành

Lý giải nguyên nhân của đề xuất giảm hạn mức đất ở, Sở TN&MT TP.HCM cho biết, TP Thủ Đức cùng các quận 7, 12, Bình Tân đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu phát triển nhà ở tương tự quận nội thành. Trong khi nhu cầu sử dụng đất ở để xây nhà tại thành phố rất lớn, nhưng quỹ đất không còn nhiều.

Ngoài ra, Luật Đất đai mới quy định các trường hợp sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 mà nay được công nhận quyền sử dụng đất ở thì không phải nộp tiền sử dụng đối với phần diện tích đất ở trong hạn mức. Do đó, với hạn mức đất ở cao có thể giảm thu ngân sách nhà nước về tiền sử dụng đất.

Trước đề xuất của Sở TN&MT TP.HCM có ý kiến cho rằng, việc siết diện tích đất ở sẽ khiến tình trạng “đất chật, người đông” càng tăng thêm. Tuy nhiên, theo luật sư Hoàng Lê (Đoàn luật sư Hà Nội), việc giảm hạn mức nhà ở tại các vùng đô thị phát triển nhanh là để kiểm soát dân số và quản lý tài nguyên.

Bởi lẽ, các khu vực đô thị phát triển nhanh thường gặp phải vấn đề quá tải dân số, cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn tài nguyên. Giảm hạn mức nhà ở có thể giúp hạn chế dân số tại các khu vực này, từ đó giảm áp lực lên cơ sở hạ tầng, môi trường sống và các dịch vụ công cộng. Ngoài ra, việc giảm hạn mức nhà ở cũng đảm bảo sự phát triển bền vững, tập trung vào các khu vực có sẵn hạ tầng hoàn thiện, phân bổ nguồn lực hợp lý.

quan-12-1721623128.jpg

Việc giảm hạn mức nhà ở tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao sẽ giúp giảm áp lực hạ tầng

Liên quan thu ngân sách về tiền sử dụng đất, thống kê 6 tháng đầu năm nay, nguồn thu từ đất đai tại TP.HCM đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 4,1% tổng thu ngân sách thành phố, chủ yếu từ tiền sử dụng đất, thuê đất, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất cùng các khoản phí và lệ phí.

Trong 6 tháng cuối năm, thành phố sẽ đẩy tiến độ thẩm định phương án giá đất. Việc này nhằm khai thác nguồn thu từ nhà đất thông qua bán đấu giá các khu đất, thu nghĩa vụ tài chính. Trước mắt sẽ triển khai đấu giá lại các khu đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo đó, Sở TN&MT đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM về kế hoạch bán đấu giá 19 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo thứ tự. Cụ thể, sẽ đấu giá 3 lô đất (1-2, 1-3 và 3-5) trước, sau đó sẽ rút kinh nghiệm và triển khai đấu giá tiếp 16 lô đất còn lại.

Bên cạnh đó, để tạo nguồn thu cho thành phố, lãnh đạo Sở Tài chính cũng đề nghị xem xét hướng dẫn quy định việc quản lý, lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh khai thác.