Trái chiều giao dịch bất động sản tại Hà Nội và TP. HCM

Trái ngược với không khí “vắng lặng” của TP. HCM, các văn phòng công chứng tại vùng ven Hà Nội vẫn kín khách đến thực hiện các thủ tục giao dịch bất động sản bất chấp mưa gió, đường ngập nước trong những ngày vừa qua.

Nhiều người mua bán nhà đất tại TP. HCM đang phải đối mặt với tình trạng chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính để hoàn tất thủ tục sang tên, đổi chủ, chuyển đổi mục đích sử dụng. Điều này khiến giao dịch bất động sản tại đây trầm lắng trong thời gian dài vừa qua.

Nơi ảm đạm, chốn sôi động

Sự ảm đạm được minh chứng rất rõ nét tại các văn phòng công chứng và các văn phòng đất đai đều cho thấy sự vắng vẻ, chỉ có 1 vài khách hàng đến làm hồ sơ hoặc hỏi về tiến độ xử lý hồ sơ, khác hẳn với hình ảnh đông đúc của cách đây hơn 1 tháng.

Bà Nguyễn Thị Hoa – Trưởng văn phòng công chứng Phong Phú cho biết, trong thời gian qua, mỗi ngày chỉ có vài khách hàng đến làm hồ sơ nhưng chủ yếu là dịch vụ sao y bản chính, mua bán xe…chứ không có người đến làm thủ tục chuyển nhượng đất đai. Nguyên nhân là do hồ sơ làm xong sẽ “bất động” tại khâu tính thuế nên nhiều người không muốn giao dịch tại thời điểm này.

Cũng theo bà Hoa, ngay cả khi nhiều người muốn bán nhà đất để lấy tiền trả nợ hoặc làm ăn nhưng không thể sang tên thì người mua cũng không thanh toán hết, hay trường hợp muốn thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng cũng không thể giải ngân khó hoàn thiện thủ tục. Thực tế, mấy năm nay thị trường bất động sản TP. HCM cũng rơi vào tình trạng trầm lắng, nay vướng thêm việc “tắc” hồ sơ thuê càng ảm đạm hơn.

van-phong-cong-chung-1726223631.jpg
Các văn phòng công chứng tại TP. HCM không còn cảnh nhộn nhịp như trước đây

Tương tự, tại Phòng công chứng số 3 (thuộc Sở Tư pháp TP. HCM), địa điểm có lượng khách đến làm hồ sơ đông nhất tại TP. HCM cũng chứng kiến cảnh khá đìu hiu. Theo đại diện phòng công chứng, thông thường sau tháng 7 âm lịch lượng giao dịch sẽ tăng lên, nhưng đến nay đã gần nửa tháng 8 âm lịch trôi qua mọi thứ vẫn ở trong tình trạng “dậm chân tại chỗ”, thậm chí giảm so với tháng trước.

Hiện, Nhà nước vẫn tiếp nhận hồ sơ, nhưng chuyển qua ngành thuế sẽ bị “phanh lại” nên nhiều người có tâm lý chờ thông tin từ hồ sơ thuế cũ được giải quyết mới dám tham gia giao dịch. Tại các văn phòng đăng ký đất đai cũng cho biết, hồ sơ liên quan đến mua bán thế chấp nhà đất đã giảm khoảng 50%.

Trái ngược với TP. HCM, các văn phòng công chứng tại huyện vùng ven Hà Nội lại đang khá tấp nập bất chấp thời tiết khắc nghiệt, mưa gió, ngập đường. Đơn cử, văn phòng công chứng trên đường Tây Sơn, thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) cho biết, những ngày gần đây thường phải làm việc qua cả buổi trưa do nhiều khách hàng đến làm thủ tục để sang tên đất đai.

Theo một người vừa hoàn thành thủ tục, chị đã phải xếp hàng từ sáng nhưng đến chiều mới đến lượt. Văn phòng không còn chỗ ngồi đợi, nhiều khách hàng phải ra ngoài đứng. Cũng theo người này, từ đầu tháng 9 đến nay đã đến văn phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng 2 lần.

Hay như đại diện một văn phòng công chứng tại thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh), lượng khách hàng đến làm các thủ tục liên quan đến đất đai vẫn duy trì đều trong những tháng qua, thậm chí thời gian gần đây còn tăng lên do nhiều người “đổ xô” về địa phương mua đất nền, cũng như nhà ở.

Sẽ chuyển biến trong giai đoạn cuối năm

Theo dự báo từ Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing, thị trường bất động sản thổ cư tại Hà Nội đang giao dịch sôi động, nhất là khu vực phía Đông và Tây đã ghi nhận 2.300 giao dịch chỉ trong tháng 8.

Trong tháng 8, khu Tây (Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông) dẫn đầu thị trường khi có khoảng 1.200 giao dịch (chiếm 36% thị phần), tiếp sau là khu Đông (Gia Lâm, Long Biên) với khoảng 1.100 giao dịch (33% thị phần).

vp-cong-chung-1726223689.webp
Người dân vẫn đến làm thủ tục liên quan đến đất đai đông đúc tại Hà Nội

Ông Trần Đức Khang, Giám đốc kinh doanh Vùng 2 tại OneHousing, cho biết khu vực phía Tây thu hút nhiều giao dịch nhờ lượng lao động tập trung tương đương với các quận nội thành, khiến nhiều người lựa chọn mua nhà tại đây để thuận tiện cho công việc. Trong khi đó, khu vực phía Đông ngày càng được ưa chuộng nhờ hạ tầng phát triển và điều kiện sống tốt hơn.

Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing, trong 6 tháng cuối năm 2024, thị trường nhà đất dự kiến sẽ có khoảng 23.000 giao dịch, tập trung chủ yếu ở khu Đông và khu Tây.

Gần đây, thị trường bất động sản xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về việc tăng giá, tuy nhiên thực tế cung vẫn thấp hơn cầu, dẫn đến giá cả phản ánh đúng tình hình. Nhiều khách hàng có tài chính vẫn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào bất động sản, lo ngại rằng giá sẽ đạt đỉnh mới.

Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) nhận định rằng giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản TP. HCM đã qua, nhờ các chính sách hỗ trợ đang phát huy hiệu quả, lãi suất cho vay giảm và khả năng tiếp cận vốn của người dân cũng như doanh nghiệp được cải thiện.

HoREA cũng dự báo rằng sau khi các luật mới có hiệu lực, khoảng 1.000 dự án trên toàn quốc sẽ được tháo gỡ vướng mắc pháp lý, giúp việc tiếp cận vốn và tín dụng trở nên dễ dàng hơn. Đồng thời, việc các chủ đầu tư tái cấu trúc sản phẩm và điều chỉnh giá nhà sẽ tạo triển vọng hồi phục cho thị trường.

Nguồn cung và sức cầu bất động sản tại TP. HCM trong giai đoạn cuối năm sẽ tiếp tục đi lên, ước tính tăng khoảng 20-30% so với đầu năm. Thanh khoản cũng sẽ được cải thiện, với những chuyển biến rõ nét nhất vào cuối năm khi nỗ lực của cơ quan quản lý và doanh nghiệp đạt hiệu quả tốt hơn.