Trái phiếu "đóng băng" nửa đầu tháng 6: Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục tìm kênh xoay xở

Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trầm lắng, đối mặt với nhiều khó khăn. Trong nửa đầu tháng 6/2024, trái phiếu bất động sản còn hoàn toàn vắng bóng.

Theo Báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu, trong nửa đầu tháng 6/2024 (tính đến ngày 14/6) có 13 đợt phát hành trái phiếu, tổng giá trị đạt 19.117 tỷ đồng.  Đáng chú ý, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bất động sản hoàn toàn vắng bóng. 

Trước đó, trong tháng 5/2024 thị trường TPDN bất động sản cũng chủ yếu quanh quẩn những cái tên cũ. Đợt này nhóm bất động sản huy động 6.400 tỷ đồng, trong đó chiếm phần lớn là 2 doanh nghiệp “họ Vin”.

trai-phieu-doanh-nghiep-bat-dong-san-1718776761.jpg

Các doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu lớn. 

Các doanh nghiệp bất động sản vẫn phải đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu lớn. Trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn của nhóm bất động sản dân cư là khoảng 67.490 tỷ đồng.

Theo VISRating, tỷ lệ trái phiếu trậm chả toàn thị trường tính đến cuối tháng 5 là 16,1%, trong đó 65% lượng trái phiếu chậm trả gốc/lãi đến từ nhóm ngành bất động sản với tỷ lệ chậm trả gốc/lãi là 31%.

Cũng theo đơn vị này, trong tháng 6 có 41 mã trái phiếu thuộc 34 tổ chức phát hành trị giá 23.000 tỷ đồng đáo hạn. Ước tính có khoảng 6.900 tỷ đồng có nguy cơ chậm trả nợ gốc/lãi.

Đáng nói, trong số trái phiếu có rủi ro cao này có khoảng 5.800 tỷ đồng trái phiếu của nhóm bất động sản dân cư, gồm DCT Partners Việt Nam, Tập đoàn Novaland, Hưng Thịnh Land, Đầu tư và Bất động sản Ngọc Minh phát hành đã chậm trả lãi coupon trong năm 2023. VISRating đánh giá các tổ chức này có khả năng cao sẽ chậm trả nợ gốc do dòng tiền yếu và nguồn tiền mặt cạn kiệt. 

Đối với 1.100 tỷ đồng trái phiếu còn lại có rủi ro cao chậm trả lần đầu cũng thuộc các doanh nghiệp ngành bất động sản dân cư. Được biết, các doanh nghiệp này có biên lợi nhuận EBITDA trung bình trong 3 năm qua thấp hơn 10% hoặc thậm chí bị âm và nguồn tiền trả nợ đến hạn ở mức cạn kiệt.

Trong 12 tháng tới, lượng trái phiếu với tổng giá trị 216.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn. Ước tính sẽ có khoảng 9% trong số này là trái phiếu có rủi ro chậm trả cao và chiếm số lượng chủ yếu vẫn là các ngành bất động sản dân cư và xây dựng.

Trong thời gian qua, hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt là TPDN bất động sản trầm lắng kéo dài khiến dòng tài chính của các công ty địa ốc tiếp tục là rào cản để phát triển các dự án. 

huy-dong-von-1718776761.jpeg

Các doanh nghiệp bất động sản đang tìm nhiều kênh tài chính khác nhau để huy động vốn.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp bất động sản đang tìm nhiều kênh tài chính khác nhau để có nguồn vốn kinh doanh. Như Tập đoàn Novaland (NVL) đã chốt phương án chào bán gần 1,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Dự kiến Novaland có thể thu về hơn 11.7000 tỷ đồng.

Ngoài kênh chứng khoán, nhiều doanh nghiệp chọn cách bán tài sản như một hình thức để có thêm nguồn tài chính kinh doanh. Điển hình như Tập đoàn Đất Xanh, từ giữa năm 2023 đến nay đã bán lại một loạt công ty con như CTCP Sài Gòn Riverview thu về 650 tỷ đồng, hay thoái vốn tại các công ty như FBV, DBFS thu về hơn 90 tỷ đồng. 

Với các doanh nghiệp chưa lên sàn, lựa chọn tối ưu là đẩy mạnh hoạt động M&A. Như trong tháng 5, Tập đoành Danh Khôi đã công bố hợp tác với một công ty bất động sản hàng đầu tại Hồng Kông. 

TS. Lê Xuân Nghĩa - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, khó khăn nguồn vốn là lực cản chính “đeo bám” doanh nghiệp bất động sản. Do vậy, các kênh tài chính khác như tái cơ cấu tài sản hoặc chứng khoán sẽ tiếp thêm nguồn lực quan trọng cho doanh nghiệp chuẩn bị đón đầu các bộ luật mới. Đặc biệt, trong bối cảnh TPDN bất động sản gần như “đóng băng”.