Bán hàng khi đang thi hành án tù và những cảnh báo về công nghệ livestream "giả cầy"

Việc đang thi hành án phạt tù nhưng Trang “Nemo” vẫn xuất hiện trên các livestream bán hàng khiến nhiều người quan tâm, bức xúc. Tuy nhiên, thực tế đây chỉ là những video clip được sản xuất trước đó, phát lại theo dạng livestream. Với trường hợp này, nếu không cẩn thận, khách mua hàng có thể phải đối diện với những rủi ro nhất định.
trang-nemo-1710236771.jpg
Dù đang trong thời gian thi hành án phạt tù giam nhưng Trang "Nemo" vẫn xuất hiện trên các livestream bán hàng gây khó hiểu cho người xem.

Mặc dù khá xa lạ với người dùng thông thường nhưng công nghệ livestream dựa trên những video quay sẵn lại khá phổ biến với những cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh online. Theo đó, các video sẽ được quay trước theo một nội dung có sẵn và sẽ được phát lại vào một thời điểm nhất định sau đó. Khi được phát, chủ kênh vẫn có thể tương tác với các khách hàng, bao gồm trả lời thắc mắc, chốt đơn, giải quyết các vấn đề liên quan, tuy nhiên không thể tương tác trong thời gian thực với người mua.

Đối với người xem, người mua và những người tương tác với các livestream theo kiểu phát lại này, sẽ không thể được giải đáp những thắc mắc đối với sản phẩm, dịch vụ. Bên cạnh đó, nếu livestream được phát lại theo kiểu này cũng có thể ẩn chứa những rủi ro khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng từ các shop giả mạo.

Câu chuyện Hòa Minzy “tấu hài” trên các livestream bán hàng trước đây cũng từng khiến nhiều người phải quan tâm. Để tránh bị “ăn cắp" livestream, nữ ca sĩ thậm chí còn đeo các băng rôn, bảng hiệu thể hiện thời gian thực đang livestream để tránh việc các đối tượng xấu sử dụng, phát lại để bán hàng giả, hàng kém chất lượng cho khách hàng, ảnh hưởng tới uy tín của cô.

livestream-ban-hang-1710236836.jpg
Hòa Minzy đã sử dụng chiêu "độc" để những người bán hàng khác không thể đánh cắp video livestream để phát lại theo kiểu "giả cầy".

Theo chị Hồng Phương – Giám đốc một công ty truyền thông media tại Hà Nội cho biết, công ty chị thường xuyên nhận được các đơn đặt hàng sản xuất các video tương tự cho các đối tác. Thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn, khi muốn thực hiện những chương trình mang tính tương tác với khách hàng như tư vấn, chia sẻ thông tin, không nhằm trực tiếp vào mục đích bán hàng trên livestream, họ thường đặt sản xuất trước. Điều này sẽ giúp kiểm soát được rủi ro và các tình huống phát sinh có thể diễn ra trong thực tế và tăng độ chuyên nghiệp, uy tín của doanh nghiệp. Với những người bán hàng online khác, việc chuẩn bị trước các video clip để phát lại livestream sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức, có thể sử dụng nhiều lần trên nhiều nền tảng khác nhau.

Theo các chuyên gia về lĩnh vực này, với những livestream “giả cầy” như vậy, đôi khi những người sản xuất video sẵn trước còn đưa vào nội dung những tình tiết có vẻ như sự cố bất ngờ trong quá trình thực hiện để người xem có cảm giác chân thực hơn.

Việc livestream theo kiểu phát lại dù không được khuyến khích nhưng đang được sử dụng nhiều trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, TikTok. Thậm chí, các chủ shop có thể từ 1 clip sẵn, cắt nhỏ và phát lại cho nhiều sản phẩm khác nhau, theo từng khung giờ cố định.

Để thực hiện được các livestream theo kiểu phát lại, người dùng buộc phải thông qua một số phần mềm như Gostream, xSplit Broadcaster, Vmix, Omlet Arcade, Screen Stream Mirroning…