Tránh "vết xe đổ” từ tấm pin mặt trời, EU chính thức áp thuế nhập khẩu ô tô điện Trung Quốc tới 38,1%

Chưa đầy một tháng, sau khi Mỹ công bố kế hoạch tăng thuế nhập khẩu xe điện của Trung Quốc lên 4 lần, đạt mức 100%, đến lượt Ủy ban Châu Âu (EU) thông báo mức thuế bổ sung đối với mặt hàng này sẽ lên tới 38,1%, áp dụng từ tháng 7/2024.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tuyên bố áp thuế 40% đối với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc. Về phần Brussed (Bỉ) cũng đã công bố mức áp thuế bổ sung bên cạnh mức thuế 10% hiện tại cho các thương hiệu xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức thuế bổ sung với xe điện của BYD là 17,4%, Geely là 20% và 38,1% đối với SAIC. Lý do được đưa ra là các công ty này đang được trợ cấp quá mức từ phía chính phủ Trung Quốc.

Mức thuế bổ sung này đồng nghĩa với việc các công ty ô tô của Trung Quốc phải chi trả thêm hàng tỷ euro vào chi phí sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu chậm lại và giá cả giảm đi.

Ủy ban Châu Âu ước tính, thị phần của các thương hiệu xe điện Trung Quốc tại thị trường EU đã tăng lên 8% từ mức 1% vào năm 2019 và có thể đạt tới 15% vào năm 2025. Giá các mẫu xe nhập này cũng thấp hơn trung bình 20% so với các mẫu xe do EU sản xuất.

xe-dien-nhap-khau-trung-quoc-1718210187.jpg
Châu Âu sẽ áp mức thuế mới đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc để tránh đi vào vết xe đổ của thị trường tấm pin năng lượng mặt trời trước đó.

Theo các nhà quan sát, dường như những nhà chính sách của châu Âu đang tránh đi lại “vết xe đổ” của thị trường tấm pin mặt trời cách đây hơn một thập kỷ. Thời điểm đó, EU chỉ thực hiện một số hành động không đáng kể để hạn chế các tấm pin từ Trung Quốc khiến cho nhiều nhà sản xuất tại châu Âu không thể trụ vững trước “sóng” pin mặt trời giá rẻ nhập khẩu.

Theo Andrew Kenningham – chuyên gia kinh tế châu Âu tại công ty Capital Economics thì quyết định của EU đã đánh dấu một sự thay đổi lớn đối với chính sách thương mại của khu vực này. Mặc dù trước đó, EU cũng thường xuyên áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại cho các công ty, doanh nghiệp trong khu vực trước các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc, nhưng đây là lần đầu chính sách được áp dụng đối với một ngành công nghiệp quan trọng như ô tô điện.

Thực tế, EU đã bắt đầu mở một cuộc điều tra trên diện rộng đối với xe điện của Trung Quốc từ tháng 10 năm ngoái.

Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc là Lin Jian cho biết, cuộc điều tra của EU là một “điển hình của chủ nghĩa bảo hộ”, hàng rào thuế quan sẽ gây ra những tổn hại lớn đối với mối hợp tác kinh tế Trung Quốc – EU cũng như sự ổn định của chuỗi cung ứng, sản xuất ô tô toàn cầu. Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho các thương hiệu xe điện của nước mình.

Theo Tổng thư ký hiệp hội xe khách Trung Quốc là Cui Dongshu thì mức thuế tạm thời của EU về cơ bản vẫn nằm trong dự đoán của họ, trung bình khoảng 20%. Điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến phần lớn các công ty Trung Quốc. Những công ty xuất khẩu xe điện do Trung Quốc sản xuất bao gồm Tesla, Geely, BYD vẫn có tiềm năng phát triển mạnh ở châu Âu trong tương lai.
Để tránh hàng rào thuế quan, các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc cũng đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội và đầu tư nhà máy sản xuất ở châu Âu. 

Các mức thuế bổ sung của EU dự kiến sẽ được áp dụng trước ngày 4/7/2024. Trong khi đó, cuộc điều tra đối với xe điện Trung Quốc vẫn được tiến hành cho đến ngày 2/11. Các mức thuế sau khi được quyết định, thường sẽ có thời gian áp dụng là 5 năm trước khi có sự thay đổi, điều chỉnh tiếp theo.

Ngoài các công ty xe điện được chỉ đích danh, EU cũng cho biết sẽ áp dụng thêm 21% đối với các công ty được cho là đã hợp tác với cuộc điều tra và 38,1% đối với những công ty được cho là không hợp tác. Mức thuể chỉ định này đang cao hơn múc dự đoán của các nhà phân tích từ 10% đến 25%.

Các nhà sản xuất ô tô như Tesla, BMW có xe được sản xuất tại Trung Quốc và xuất khẩu sang EU đang được coi là công ty hợp tác. Trong đó, Tesla hiện đang là nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất từ Trung Quốc sang châu Âu.

Phản ứng trước mức thuế quan mới, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu là Volkswagen cảnh báo rằng tác động tiêu cực của vấn đề này sẽ lớn hơn bất kỳ lợi ích tiềm năng nào, đặc biệt đối với ngành công nghiệp ô tô Đức.

Mercedes-Benz với tư cách là một công ty xuất khẩu lớn của Đức, họ cho biết không cần gia tăng các rào cản thương mại. Trong khi đó, BMW cho biết mức thuế theo kế hoạch đang là "một hướng đi sai lầm".

Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 30% doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ô tô Đức trong quý đầu tiên.

xe-dien-nhap-khau-trung-quoc-1718246243.jpg
Giá ô tô điện của Trung Quốc đang thấp hơn nhiều so với các công ty châu Âu.

Một số nhà kinh tế cho biết tác động tức thời của các mức thuế bổ sung sẽ rất nhỏ về mặt kinh tế vì EU đã nhập khẩu khoảng 440.000 xe điện từ Trung Quốc trong 12 tháng tính đến tháng 4, trị giá 9 tỷ euro (9,7 tỷ USD) hoặc khoảng 4% chi tiêu hộ gia đình cho phương tiện đi lại.

Viện Kinh tế Thế giới Kiel đã dự báo rằng mức thuế 20%, xung quanh mức tăng thêm trung bình mà EU áp dụng, sẽ làm giảm 25% lượng nhập khẩu xe điện của Trung Quốc, phần lớn được bù đắp bởi sản lượng cao hơn ở châu Âu.

Ý hoan nghênh quyết định của EU trong khi nhóm vận động hành lang ô tô của Pháp PFA cho biết Ủy ban cần bảo vệ lợi ích của châu Âu trước các hành vi phản cạnh tranh.