Trên 100 tỷ USD tiền mã hoá đi vào Việt Nam trong 1 năm: Cần nhanh chóng xây dựng khung pháp lý

Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực VBA cho biết. tổng giá trị tiền mã hoá (crypto) đi vào Việt Nam từ tháng 10/2021-tháng 10/2022 là trên 100 tỉ USD. Theo đó, cần ban hành các quy định quản lý phù hợp với tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền.

Trên 100 tỉ USD tiền mã hoá đi vào Việt Nam trong một năm

Tại Hội thảo khoa học góp ý xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) do Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch VBA, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đã đưa Việt Nam vào danh sách giám sát tăng cường (danh sách xám).

Theo ông Hùng, các quốc gia trong “danh sách xám” có thể bị giảm tới 7% GDP. Vừa qua, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp và Chính phủ ban hành Quyết định 194, yêu cầu thực hiện các giải pháp để nhanh chóng thoát ra khỏi "danh sách xám". Đây là vấn đề rất cấp bách. Quyết định 194 có đề cập đến tài sản ảo.

hung-1-1710324422.jpeg
Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch VBA, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

FATF định nghĩa tài sản ảo là một giá trị số có thể được giao dịch hoặc chuyển giao kỹ thuật số và có thể được sử dụng để thanh toán hoặc đầu tư, bao gồm: các loại tiền ảo, các loại tiền mã hóa như Bitcoin và Ethereum, cũng như các loại tài sản số khác có thể thực hiện các chức năng tương tự. Tài sản ảo không bao gồm tiền số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) vì chúng được coi là tiền tệ chính thức.

Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực VBA thông tin, tổng giá trị tiền mã hoá (crypto) đi vào Việt Nam từ tháng 10/2021-tháng 10/2022 là trên 100 tỷ USD.

anh-man-hinh-2024-03-13-luc-170534-1710324421.png
Tổng giá trị tiền mã hoá (crypto) đi vào Việt Nam từ tháng 10/2021-tháng 10/2022 là trên 100 tỷ USD

Theo ông Trung, tổng giá trị VA (tài sản ảo) dự kiến sẽ chiếm tới 10% GDP toàn cầu, lên tới 16.000 tỷ USD vào năm 2030.

“Việc cấm VA là không khả thi. Thay vào đó, cần nhanh chóng ban hành các quy định quản lý VA và VASP (tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo) phù hợp với tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền của FATF nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám”, ông Trung nói.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho rằng, đây là một xu hướng, muốn thờ ơ hay né tránh cũng không được. Theo đó, cần vì lợi ích quốc gia để lựa chọn phương án phù hợp nhất.

“Việt Nam chúng ta có cộng đồng giao dịch crypto xếp thứ 4,5 thế giới, chỉ một sàn mà mỗi ngày có lượng giao dịch khoảng 20 tỉ USD. Rõ ràng, nếu chúng ta tận dụng tốt được nguồn vốn này trong xã hội thì sẽ rất tốt”, ông Quỳnh nêu.

anh-man-hinh-2024-03-13-luc-170806-1710324498.png
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam

Theo vị chuyên gia này, chủ quyền quốc gia về mặt tiền tệ là quan trọng hàng đầu, do đó Chính phủ các nước thường thận trọng, nhưng hiện nay nhiều quốc gia cũng đã có góc nhìn cởi mở hơn.

“Chúng ta không chỉ nêu lợi ích mà còn phải nêu cả mặt trái cũng như bài học kinh nghiệm và giải pháp quản lý của các quốc gia khác. Qua đó, để cơ quan quản lý có thêm thông tin, để ban hành khung pháp lý đối với lĩnh vực này”, ông Quỳnh nói.

Chủ động, sẵn sàng đóng thuế

Về hành lang pháp lý cho tài sản ảo, ông Phan Đức Trung dẫn ví dụ ở Mỹ, tại thông báo 2014-21 do Sở thuế vụ (IRS) phát hành ngày 25.3.2014 xác định, các loại tiền mã hoá như Bitcoin sẽ bị đánh thuế là tài sản chứ không phải là tiền tệ.

Tháng 11.2021, tiền mã hoá lần đầu tiên được đề cập đến trong luật pháp Mỹ, trong Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng do Tổng thống Joe Biden ký ban hành và được gọi là tài sản số.

Tại Châu Âu, Đạo luật quản lý thị trường tiền mã hoá đã được Nghị viện Châu Âu thông qua ngày 20/4/2023, công bố chính thức vào ngày 16/5/2023. Dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2024.

Theo hướng dẫn của FATF, Hàn Quốc đã sửa đổi Đạo luật báo cáo và sử dụng thông tin giao dịch tài chính cụ thể để yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) phải đăng ký với cơ quan quản lý tài chính địa phương, Ủy ban dịch vụ tài chính (FSC), trước khi thực hiện các hoạt động kinh doanh.

Hay tại Hồng Kông, tháng 6/2022, Uỷ ban Chứng khoán và Phái sinh Hồng Kông (SFC) đã công bố chế độ cấp phép bắt buộc đối với các nền tảng cung cấp dịch vụ tiền mã hoá, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2023 sau khi Dự luật AML/CFT (sửa đổi) năm 2022 được thông qua…

anh-man-hinh-2024-03-13-luc-171018-1710324629.png
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực VBA

Do vậy, ông Phan Đức Trung đề nghị, cộng đồng và các VASP tích cực đề xuất các giải pháp và phối hợp với các cơ quản quản lý, hiệp hội nghề nghiệp trong các vấn đề hoạt thiện cơ sở pháp lý VA và VASP.

Ngoài ra, cần hỗ trợ các hoạt động phổ biến nhận thức cộng đồng ở khối tư nhân như quyết định 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 thông qua việc chuẩn bị các chương trình đào tạo cho khách hàng của mình, chứng minh các quy trình tuân thủ và phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động bảo vệ lợi ích cộng đồng chống lừa đảo.

Ông Trung cũng kêu gọi cộng đồng cùng hội nghề nghiệp chủ động sẵn sàng đóng thuế và đề xuất các giải pháp được đóng thuế để khẳng định vai trò của VA và VASP đóng góp vào nền kinh tế đất nước.

Ông Joe Tu, Giám đốc Phát triển Kinh doanh toàn cầu của VASP CoinEx cam kết hỗ trợ chương trình truy vết các dự án có dấu hiệu lừa đảo do VBA khởi xướng. Điều này nhằm bảo vệ người dùng và giảm thiểu hậu quả từ việc lợi dụng công nghệ blockchain cho mục đích xấu, làm xói mòn lòng tin của xã hội.

hung-5-1710324375.jpeg
Giới chuyên gia đề nghị nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lý cho tài sản ảo

Ngoài ra, CoinEx nhấn mạnh tầm quan trọng và đề nghị tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật và những đơn vị doanh nghiệp có liên quan nhằm tạo điều kiện cho các VASP tuân thủ chặt chẽ pháp luật một cách hiệu quả hơn.

Đại diện Remitano - một đơn vị VASP mong muốn khung pháp lý tài sản ảo tại Việt Nam có thể được sớm hoàn thiện theo xu hướng chung của thế giới, đồng thời tạo điều kiện, ưu đãi chính sách cho các đơn vị cung cấp dịch vụ tài sản ảo có nhiều năm kinh nghiệm, uy tín trên thị trường.

“Việc hoàn thiện khung pháp lý theo hướng tạo điều kiện tích cực cho các VASP hoạt động và phát triển sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, đưa Việt Nam thành điểm đến công nghệ tại khu vực”, đơn vị này nhấn mạnh.