Trí tuệ nhân tạo - đồng minh hay cơn ác mộng của các cơ quan báo chí?

Theo ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thì việc sử dụng AI hiện nay tại Việt Nam đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực báo chí. AI vừa là đồng minh cho báo chí chất lượng cao nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, là mối đe dọa với các đơn vị này.

Thông tin được chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề “Tương lai của báo chí và trí tuệ nhân tạo”, diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 13/3/2024 với sự tham dự của đại diện các cơ quan thông tấn báo chí, cơ quan quản lý nhà nước. 
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân dân cho biết, thực tế không phải đến bây giờ báo chí tại Việt Nam mới sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Việc sử dụng AI đã diễn ra ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Từ năm 2018, báo Vietnam Plus đã ra mắt một chatbot riêng, phục vụ nhu cầu của độc giả. Hiện nay, khi AI đã bước sang một giai đoạn mới với những bước tiến mạnh mẽ hơn nhiều, đặc biệt là sự xuất hiện của AI tạo sinh. AI được dùng trong nhiều lĩnh vực, mục đích khác nhau bao gồm việc tạo ra các bản tóm tắt nội dung, trả lời các câu hỏi, tạo headline, dịch tự động, tạo ra các hình ảnh, video từ lời nói, văn bản…. “Công nghệ này đang tạo ra những đồng minh cho báo chí chất lượng cao nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh. 

le-quoc-minh-bao-nd-1710331838.jpg
Ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân phát biểu tại Hội thảo.

Ông Lê Quốc Minh dẫn chứng một khảo sát gần đây, nếu đặt câu hỏi trong 12 tháng tới, lĩnh vực nào được ưu tiên thì có tới 8/10 cơ quan báo chí đều cho rằng việc đầu tư vào AI rất quan trọng bên cạnh phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, chỉ có 34% lạc quan rằng AI tạo sinh sẽ mang lại lợi ích cho các đơn vị và 8% thì không có niềm tin về vấn đề này. Thậm chí, có tới 67% cơ quan báo chí cho rằng không được chuẩn bị tốt để đón bắt những cơ hội mà AI mang lại.

Một trong những vấn đề đang được quan tâm gần đây liên quan tới mối quan hệ giữa AI và báo chí là niềm tin của công chúng với các cơ quan truyền thông cũng như việc bảo vệ tài sản trí tuệ nhân tạo. AI có thể được sử dụng vào nhiều việc khác nhau nhưng nó cũng tạo ra những nguy hiểm lớn như tạo ra các thông tin sai lệch. Trang thông tin công nghệ nổi tiếng thế giới là CNET trước đó cũng đã âm thầm sử dụng AI để sản xuất tin bài, tuy nhiên sau đó xác định có tới 40% nội dung trên các thử nghiệm này là sai trái.

Về rủi ro đối với lĩnh vực sáng tạo nội dung, ông Lê Quốc Minh cho rằng, hiện nay các tòa soạn đều muốn sử dụng AI nhưng lo ngại ảnh hưởng niềm tin công chúng. Chính vì vậy, vai trò của con người, kiểm soát và chịu trách nhiệm về những nội dung AI tạo ra là rất quan trọng. 

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng thể hiện sự lo ngại về lượng thông tin khổng lồ mà AI tạo ra có thể khiến công chúng bối rối và khó hiểu. Trong năm 2023, số lượng website sử dụng AI để tổng hợp tin tức đã tăng gấp 13 lần. Nhiều trang thậm chí còn sản xuất số lượng tin bài lớn hơn số lượng của tờ Newyork Times. “Thông tin có thể đúng, có thể sai nhưng nguy hiểm nhất là sai mà chúng ta không biết được”, ông Lê Quốc Minh chia sẻ, AI giúp tạo ra nội dung cho báo chí nhưng cũng có khả năng rất lớn giúp cho những kẻ xấu đăng tải các nội dung độc hại.

Tiếp tục dẫn chứng về AI Sora của OpenAI, chỉ cần một vài câu lệnh đưa ra đã có thể tạo ra một đoạn clip mà không cần bất kỳ đạo diễn hay diễn viên nào hay AI EMO của Alibaba không chỉ cho nhân vật tự hát mà còn có cả những biểu cảm sinh động trên gương mặt…, ông Lê Quốc Minh cho rằng, AI cũng sẽ ảnh hưởng tới tương lai của các công cụ tìm kiếm.

ai-cua-alibaba-1710331990.jpg
EMO AI của Alibaba không chỉ biến giọng nói, văn bản thành hình ảnh mà còn có thể khiến nhân vật hát, nói với những biểu cảm phong phú trên gương mặt.

Thực tế, lượng truy cập website của một cơ quan báo chí có thể chiếm 50% từ các công cụ tìm kiếm như Google. Gã khổng lồ công nghệ này cũng đang thử nghiệm tìm kiếm AI tại 120 nước. Tháng 2/2024, công ty cũng đã thử bỏ tab news (tin tức) trên công cụ tìm kiếm của mình. Nếu áp dụng AI, người dùng dễ hài lòng với các câu trả lời có được, không còn truy tìm thông tin trên các kênh khác nữa. Điều này sẽ trở thành thảm họa đối với cơ quan báo chí khi lượng truy cập giảm đi đáng kể. Đây là sự đe dọa, là cơn ác mộng đối với các cơ quan báo chí.

Về vấn đề bản quyền nội dung, hiện nay rất nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới đang tạo ra sức ép với các nhà phát triển AI. Có đến 30% nội dung mà các công ty dùng để huấn luyện AI đều đến từ nguồn của báo chí. Vì vậy, cần phải thúc đẩy các quy định về mặt pháp lý để bảo vệ các cơ quan báo chí khỏi những hành động xâm phạm bản quyền… Đã có gần 50% các cơ quan báo chí hàng đầu tiến hành chặn không cho OpenAI truy cập vào các trang thông tin của mình. Các bộ nguyên tắc liên quan xây dựng và phát triển AI của nhiều quốc gia và khu vực cũng đang tập trung vào các quy định để bảo vệ bản quyền của các cơ quan báo chí. Thư viện ảnh số khổng lồ của Getty Images cũng đã chặn OpenAI truy cập vào nguồn ảnh của mình.

Kết thúc phần tham luận của mình, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh việc báo chí hiện nay nên quay trở lại bản chất ban đầu là xây dựng mối quan hệ trực tiếp với độc giả, gây dựng niềm tin lâu dài. “Những gì có thể thấy trên Internet thì đừng đưa lên báo in nữa, hãy đưa những gì đặc sắc nhất, độc đáo nhất của mình lên để thu hút độc giả…”.