Báo cáo của Cushman & Wakefield (C&W) vừa công bố cho thấy, giá sơ cấp trung bình căn hộ TP.HCM quý II/2024 đã tăng 9% theo quý và 8% theo năm, đạt khoảng 3.480 USD, tương đương 87 triệu đồng/m2.
Giá tăng đều qua từng quý
Trước đó, theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing, giá bán sơ cấp căn hộ TP.HCM quý II đạt trung bình khoảng 77 triệu đồng/m2, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Trang Bùi – Tổng giám đốc C&W cho rằng, sự xuất hiện của các dự án hạng sang mở bán trong quý vừa qua đã kéo mặt bằng giá toàn thị trường vượt ngưỡng. Trong nửa đầu năm 2024, thị trường căn hộ TP. HCM tiếp nhận khoảng 1.200 căn, chỉ tính riêng quý II có khoảng 924 căn, trong đó phân khúc hạng sang chiếm gần 60%.
Nghiên cứu từ DKRA Group cũng chỉ ra, trong quý vừa qua, giá chung cư TP.HCM ghi nhận mức cao nhất lên đến 493 triệu đồng/m2 từ một dự án tại quận 1. Thành phố hầu như đã cạn nguồn cung căn hộ bình dân (dưới 35 triệu đồng/m2) và cũng không còn dự án nhà ở thương mại dưới 45 triệu đồng/m2.
Dù TP. HCM thiết lập mặt bằng giá chung cư mới, và ghi nhận mức tăng trưởng cao nhưng vẫn bị Hà Nội “bỏ xa” về tốc độ tăng trưởng. Theo số liệu của OneHousing, tại Hà Nội, nguồn cung mở mới chung cư trong quý II/2024 đạt 8.400 căn, tăng 97% so với quý I/2024 và gần tương đương lượng nguồn cung căn hộ mở mới cả năm 2023 (8.600 căn).
Trong đó, phân khúc cao cấp chiếm tới 61%, phân khúc trung cấp chỉ đạt 2,3%. Giá bán sơ cấp chung cư Hà Nội trong quý II/2024 đạt 65 triệu đồng/m2, tăng 25% so với quý trước và 30% so với cùng kỳ.
So sánh ở mốc xa hơn, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, giá bán căn hộ sơ cấp trung bình tại Hà Nội ghi nhận mức tăng vượt bậc với 58%, hơn gấp đôi so với tỷ lệ tăng 27% của thị trường TP. HCM.
Cũng theo VARS, thị trường đã ghi nhận nhiều hơn các tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy tiến trình phục hồi. Tuy chưa đủ lực giúp thị trường “bùng nổ” nhưng chắc chắn sẽ là tiền đề cho các kết quả ấn tượng hơn trong giai đoạn cuối năm. Cả thị trường vẫn đang cố gắng duy trì, chờ đợi những nút thắt được tháo gỡ để thực sự “khỏe” trở lại.
Nguồn cung vẫn nghiêng về cao cấp
Dự báo về thị trường trong giai đoạn tới, C&W nhận định, TP. HCM sẽ có thêm khoảng 1.300 căn hộ mới trong 6 tháng đầu năm. Giá bán có thể tăng tiếp do nguồn cung chưa cải thiện, chi phí triển khai dự án leo thang. Cùng với đó, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực sẽ đào thải một số chủ đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu mới, khiến lượng dự án mở mới sẽ càng hạn chế.
Cũng theo C&W, trong 3 năm tới, thành phố sẽ có thêm khoảng 37.000 căn hộ, phần lớn vẫn thuộc loại hình cao cấp. Quỹ đất ở các quận trung tâm sẽ dần khan hiếm, kéo nguồn cung mới mở rộng ra các khu vực xa hơn, phù hợp với phát triển hạ tầng trong tương lai như Nhà Bè, Bình Chánh, TP Thủ Đức.
Còn tại Hà Nội, CBRE dự báo, nguồn cung sẽ tiếp tục dồi dào với hơn 9.000 căn hộ, nâng tổng lượng bán cả năm có thể đạt gần 20.000 đơn vị, mức cao nhất 5 năm. Dư địa tăng giá tại Hà Nội khoảng 18-22%/năm.
CBRE cho rằng, thị trường Hà Nội đã đón đợt tăng giá rất lớn trong giai đoạn vừa qua nhưng vẫn có thể nhích lên tiếp. Trong khi đó, mức tích lũy giá của phân khúc căn hộ ở TP. HCM chỉ quanh 5-6%.
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhận xét, chu kỳ tăng trưởng mới được dẫn dắt bởi thị trường Hà Nội lần này có nhiều điểm khác biệt so với giai đoạn trước của TP. HCM. Theo bà Dung, khung pháp lý đang hoàn thiện giúp ngành bất động sản lành mạnh, cân bằng và khơi thông nhiều điểm nghẽn.
Trong khi đó, ông Gim Teck Yew - Giám đốc khối kinh doanh và tiếp thị Gamuda Land cho rằng, cơ hội đầu tư nhà tại Hà Nội có thể đang tốt hơn TP HCM vì triển vọng tăng giá hấp dẫn. Tuy nhiên, ông lưu ý nếu giá bất động sản ở Thủ đô đã tăng quá cao, dẫn đến tình trạng bất hợp lý, nhà đầu tư sẽ nhìn lại TP. HCM.