Hơn 1 tỷ đồng/m2 đất nghĩa trang
“Khi sống bán mạng dành tiền mua nhà, lúc chết đau đầu tích tiền mua đất nghĩa trang, đó là câu cửa miệng mà nhiều người Trung Quốc thường nói khi nhắc đến thị trường bất động sản nghĩa trang tại đất nước tỉ dân”, Tân Hoa Xã đưa tin.
Thậm chí, một số người còn nói đùa rằng nếu bạn không đủ tiền mua một căn nhà trong suốt cuộc đời thì sau khi chết, bạn cũng không đủ tiền mua một ngôi mộ. Bởi lẽ, đất nghĩa trang đã trở thành thị trường siêu sinh lời vì giá liên tục leo thang những năm qua.
Đặc biệt, trước thềm Tiết Thanh Minh 2024 (4 - 5/4), giá đất nghĩa trang ở Tô Châu, Hà Bắc, Bắc Kinh, Phúc Kiến, Quảng Đông,…trên các sàn môi giới bất động sản đồng loạt tăng vọt.
Theo khảo sát của The Paper, trong 5 năm qua, giá đất nghĩa trang ở Tô Châu đã tăng ít nhất 10 lần. Cụ thể, năm 2016, nghĩa trang ở Tô Châu thường có giá khoảng 30.000 nhân dân tệ/m2 (gần 103 triệu đồng/m2), giá cao nhất có thể lên tới hơn 100.000 nhân dân tệ (343 triệu đồng/m2) thì nay đã xấp xỉ gần 300.000 nhân dân tệ/m2 (hơn 1 tỷ đồng/m2).
Còn ở Thượng Hải, giá trung bình của một khoảng đất nghĩa trang gần 1m2 là 60.000 nhân dân tệ (206 triệu đồng/m2), cao nhất có thể là 300.000 nhân dân tệ (1,02 tỷ đồng/m2).
Tại Thiên Tân, giá 1m2 đất nghĩa trang thấp nhất là 10.000 nhân dân tệ (34 triệu đồng), cao nhất là 200.000 nhân dân tệ (686 triệu đồng/m2); Quảng Châu thì hầu hết giá dao động từ 100.000 nhân dân tệ (343 triệu đồng) đến 120.000 nhân dân tệ (412 triệu đồng).
Ở Bắc Kinh, một đại lý nghĩa trang cho biết, giá đất nghĩa trang ở Trường Bình thường là 30.000 nhân dân tệ/m2 (103 triệu đồng/m2). Giá trung bình từ hàng thứ sáu trở vào là 60.000 nhân dân tệ/m2 (206 triệu đồng/m2), những mảnh đất có hướng phong thủy tốt là hơn 100.000 nhân dân tệ/m2 (343 triệu đồng/m2). Đại lý này cũng nhấn mạnh rằng đất nghĩa trang cũng như giá nhà ở, càng gần trung tâm TP thì giá càng cao.
Theo Fushouyuan - nhà cung cấp dịch vụ tang lễ lớn nhất Trung Quốc, họ đã bán rất nhiều loại mộ với giá “trên trời” nhưng lượng người hỏi mua vẫn liên tục tăng. Trong đó, những ngôi mộ đặt làm riêng có giá trung bình là 338.000 nhân dân tệ/m2 (1,16 tỷ đồng/m2).
Còn theo Bloomberg, việc giá đất nghĩa trang ở các TP lớn của Trung Quốc tăng vọt đã khiến nhiều người phải đến nơi khác mua mộ. Điển hình là trong số 10.000 phần mộ ở nghĩa trang thuộc TP Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông thì có tới 70% là của người từ TP Quảng Châu đến. Nguyên nhân là do hai TP cách nhau chưa đầy hai giờ lái xe và giá đất nghĩa trang ở Quảng Đông rẻ hơn ở Quảng Châu đến 3 lần.
Việc này đã khiến cơ quan chức năng ở Trung Quốc yêu cầu các nghĩa trang thương mại không được phép bán mộ giữa các khu vực, nếu người đăng ký ở các thành phố khác thực sự cần được chôn cất thì phải được sự chấp thuận của cơ quan dân sự nơi nghĩa trang tọa lạc.
Chọn kênh online vì giá đất nghĩa trang đắt gấp 3 lần giá nhà
Nhiều chuyên gia bất động sản xứ Trung đánh giá, đất nghĩa trang đã vượt giá nhà trong 3 - 4 năm gần đây. Bởi lẽ, chi phí cho một phần đất rộng bằng tấm thảm yoga đã tăng 41% kể từ giữa năm 2015, lên 14.800 USD (347 triệu đồng). Trong khi đó, giá nhà ở 70 thành phố của nước này chỉ tăng 23% trong cùng kỳ.
Do đó, họ đề nghị các cơ quan chính phủ liên quan nên hành động để kiểm soát giá đất nghĩa trang, điều tiết việc sử dụng đất và phát triển nghĩa trang thương mại, đồng thời hạn chế sự hỗn loạn trong ngành như hiện tượng tích trữ đất nghĩa trang và xây mộ vượt tiêu chuẩn.
Một số chuyên gia cho rằng quy hoạch xây dựng nghĩa trang cần liên tục điều chỉnh và quy mô các nghĩa trang phúc lợi công cộng cần được xây dựng và mở rộng. Đồng thời, cần nỗ lực thúc đẩy việc chôn cất sinh thái (rải tro ra đại dương), thúc đẩy cải cách phong tục tang lễ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn thúc đẩy việc xây dựng các nghĩa trang kỹ thuật số trong bối cảnh nước này phải đối mặt với tình trạng khan hiếm đất đô thị và dân số già đi.
Cụ thể, tại nghĩa trang Taiziyu ở Bắc Kinh, có những ngăn chứa tro cốt hiển thị hình ảnh và video kỹ thuật số về người chết trên cửa ra vào. Với hình thức này, từ đầu năm 2023 đến nay, gần 1.000 lô đất kỹ thuật số như thế này đã được bán.
Còn tại Thượng Hải, một lăng mộ online có tên "Thiên đường trên mây" cho phép mọi người tiến hành chôn cất ảo cho người thân của họ. Hình thức này cho phép mọi người tạo ra "những hòn đảo ảo" với hình ảnh, tài sản kỹ thuật số và tệp âm thanh của người thân của họ.
Theo Bloomberg, một nghĩa trang kỹ thuật số rộng khoảng 215 feet vuông (gần 20m2) có thể chứa hơn 150 lô đất kỹ thuật số, trong khi một địa điểm có kích thước như vậy chỉ có thể chứa sáu ngôi mộ truyền thống.
Ngoài ra, kênh CGTN đưa tin, Bắc Kinh còn có chương trình "chôn cất xanh", trong đó tro của người quá cố có thể được chôn miễn phí dưới gốc cây mà không cần bia mộ hoặc lăng mộ, đồng thời người thân sẽ nhận được một tấm bảng kỷ niệm có mã QR mà họ có thể quét để truy cập thông tin của người đã khuất bất cứ lúc nào.
Với dân số hơn 1,4 tỷ người, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về nhu cầu dịch vụ tang lễ: Quy mô thị trường vào năm 2020 là 258 tỷ nhân dân tệ (35,6 tỷ USD) và được dự đoán sẽ đạt 411 tỷ nhân dân tệ vào năm 2026, theo báo cáo của công ty tư vấn Huaon Ican. Do đó, chính quyền nước này coi những sự thay đổi về đất nghĩa trang vừa nêu trên là một bước cần thiết để bảo tồn đất đai và giảm chi phí.
Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ tang lễ cho rằng thách thức lớn nhất mà các nghĩa trang online phải đối mặt là quan niệm truyền thống của người Trung Quốc về cái chết. Bởi lẽ phần lớn người Trung Hoa nói riêng và người Á Đông nói chung vẫn muốn được "toàn thây" khi về nơi cực lạc hơn nên vẫn ráo riết mua đất nghĩa trang, khiến giá của loại hình bất động sản này đã cao nay lại cao hơn…
(Lược dịch từ Xinhua, The Paper, Bloomberg, CCTN)