Trung Quốc nỗ lực giảm thiểu phụ thuộc vào công nghệ AI của Mỹ

Phần nhiều các mô hình AI của Trung Quốc được phát triển dựa trên các nguồn mở của các công ty Mỹ và phương Tây. Đó cũng là lý do vì sao, chính quyền nước này đang nỗ lực để phát triển các mô hình AI mới hoàn toàn tự chủ, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài.

Theo Reuters, chính quyền Mỹ dường như đang có kế hoạch áp dụng những biện pháp nhằm ngăn chặn các quốc gia như Trung Quốc, Nga tiếp cận các mô hình trí tuệ nhân tạo do các công ty Mỹ phát triển như ChatGPT.

Bất chấp những lệnh cấm, hạn chế nhằm kìm hãm sự phát triển công nghệ, trong năm qua, Trung Quốc cũng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Chính quyền nước này cũng nỗ lực khuyến khích các công ty trong nước tự cường, thoát ra khỏi sự phụ thuộc công nghệ nước ngoài.

artificial-intelligence-1715268474.jpg

Mỹ có thể sẽ áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn công nghệ AI của mình khỏi các nước như Nga và Trung Quốc.

Reuters cho biết, các dịch vụ AI quan trọng của OpenAI như ChatGPT và trình tạo hình ảnh DALL-E hiện vẫn chưa được triển khai chính thức tại Trung Quốc. Tuy nhiên, một số lượng lớn các công ty và kỹ sư tại Trung Quốc đã tìm cách truy cập vào các dịch vụ của OpenAI bằng các công cụ trung gian như mạng riêng ảo (VNP) để che giấu địa chỉ của họ và vượt qua “tường lửa”. Nhờ đó, nhiều công ty Trung Quốc đã có thể xây dựng phần mềm và ứng dụng dựa trên các mô hình AI của OpenAI.

Đáng lưu ý, từ tháng 12 năm ngoái, OpenAI cũng đã chặn quyền truy cập ứng dụng đối với các công ty Trung Quốc, bao gồm việc đình chỉ tài khoản của ByteDance- công ty mẹ của TikTok sau khi The Verge đưa tin công ty này đã sử dụng công nghệ của OpenAI để phát triển AI cho riêng mình.

Tại Hồng Kông, việc tiếp cận các mô hình AI của OpenAI tuy bị hạn chế nhưng không ngặt nghèo như ở Trung Quốc Đại lục. Thông qua sự hợp tác với Microsoft , các công ty tại Hồng Kông vẫn có thể truy cập vào các mô hình AI của OpenAI. Microsoft cũng đã phát hành chatbot Copilot – một dịch vụ AI tổng quát dựa trên công nghệ của ChatGPT tới người dùng tại đây. 

Theo các chuyên gia, công nghệ của Trung Quốc hiện vẫn đang có mức độ phụ thuộc đáng kể vào các mô hình nguồn mở được phát triển ở phương tây và Mỹ như Llama của Meta. 

Vào tháng 3 vừa qua, các kênh truyền thông Trung Quốc cũng cho biết, nhiều mô hình AI nội địa nước này trên thực tế được xây dựng bằng nguồn mở của Llama. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều thách thức đối với sự phát triển AI ở Trung Quốc. Tháng 11/2023, 01.AI – một trong những kỳ lân AI nổi tiếng nhất Trung Quốc do cựu Giám đốc điều hành Google Lee Kai-fu thành lập, đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội sau khi một số kỹ sư AI phát hiện ra rằng mô hình AI Yi-34B của họ được xây dựng trên mô hình Llama của Meta.

Một số lượng lớn các công ty công nghệ Trung Quốc như Baidu, Huawei và iFlytek đã và đang nỗ lực phát triển các mô hình AI “hoàn toàn độc quyền” của riêng mình. Một số rằng, mô hình của họ đã có khả năng tương đương với GPT4 mới nhất của OpenAI trong một số lĩnh vực.

artificial-intelligence-1715268802.jpg

Baidu tuyên bố chatbot Ernie của họ đã mạnh ngang GPT-4 từ cuối năm ngoái.

Chính quyền Trung Quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển các công nghệ AI “có thể kiểm soát” của riêng mình đối với các công ty trong nước. Quốc gia này cũng chủ động đưa ra các quy định về sử dụng AI tổng hợp, yêu cầu các dịch vụ phải được chính phủ phê duyệt trước khi ra mắt công chúng. Tính đến tháng 1 năm nay, Trung Quốc đã phê duyệt hơn 40 mô hình AI để sử dụng rộng rãi nhưng không có mô hình nào trong số đó là mô hình AI của nước ngoài.