Nhu cầu về AI và các ngành công nghệ khác đã thúc đẩy sức mạnh tính toán của Trung Quốc tăng liên tục

Tổng công suất tính toán tại Trung Quốc đã đạt 246 EFLOPS tính đến tháng 6 năm nay, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng được thúc đẩy nhờ nhu cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ khác tăng cao trên toàn cầu. Nước này đang trên đà đạt sức mạnh tính toán 300 EFLOPS vào năm 2025.

Theo báo cáo được công bố vào thứ Bảy vừa qua tại Hội nghị Năng lực Tính toán Trung Quốc thường niên được tổ chức tại Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam thì tính đến tháng 6 năm nay, năng lực tính toán của quốc gia này đã đạt 246 EFLOPS (246 quintillion phép tính mỗi giây). EFLOPS là đơn vị đo sức mạnh tính toán tổng hợp của các hệ thống máy tính. Mỗi EFLOPS tương đương một tỷ tỷ phép tính dấu phẩy động mỗi giây.

Theo dữ liệu từ hội nghị năm ngoái được tổ chức tại Ngân Xuyên, Ninh Hạ Hồi (Trung Quốc) thì con số mới cho thấy mức tăng trưởng tới 25% so với 197 EFLOPS của năm 2023. Nếu tốc độ này tiếp tục, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên đà đạt được mục tiêu đặt ra vào năm ngoái là đạt tổng công suất tính toán 300 EFLOPS vào năm 2025.

Báo cáo năm 2024 cho biết, trong tổng thể các nguồn lực, tốc độ tăng trưởng của sức mạnh tính toán thông minh được sử dụng trong các tác vụ liên quan đến AI đã tăng 65% nhưng không tiết lộ quy mô chính xác.

suc-manh-tinh-toan-1727694705.jpg
Tính đến cuối năm ngoái, Mỹ chiếm 32% tổng sức mạnh tính toán toàn cầu, cao hơn mức 26% của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện vẫn là cường quốc điện toán mạnh thứ hai sau Mỹ. Báo cáo do Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT) thực hiện cũng cho thấy Mỹ đang chiếm 32% tổng sức mạnh điện toán của thế giới (910 EFLOPS) tnsh đến cuối năm ngoái, cao hơn 26% của Trung Quốc. Báo cáo tính cả sức mạnh tính toán của các cơ sở trực thuộc Chính phủ và cả khối thương mại, tư nhân của nước này.

Zhao Zhiguo, kỹ sư trưởng tại Bộ Thông tin và Công nghệ nước này cho biết, tốc độ số hóa và chuyển đổi thông minh ngày càng nhanh của nhiều ngành công nghiệp đã tạo ra “nhu cầu cấp thiết hơn” về cơ sở hạ tầng thông tin số, bao gồm cơ sở hạ tầng điện toán.

Zhao cũng nói thêm rằng phải đạt được những đột phá lớn hơn trong công nghệ cốt lõi, bao gồm “chip cao cấp, thiết kế kiến trúc, thuận toán mô hình ngôn ngữ lớn và giao thức truyền tốc độ cao”.

suc-manh-tinh-toan-1727694843.jpg
Nhu cầu của AI và các ngành công nghệ khác đã thúc đẩy sức mạnh tính toán của Trung Quốc tăng liên tục trong thời gian qua.

Giám đốc CAICT Yu Xiaohui cho biết thách thức đối với ngành công nghiệp máy tính của Trung Quốc là nó vẫn còn "phân mảnh", khiến việc kết hợp chính xác giữa cung và cầu trở nên khó khăn.

Để giải quyết tình trạng mất cân bằng khu vực về tài nguyên số, Bắc Kinh đã khởi động một dự án mang tên Dữ liệu phương Đông và Điện toán phương Tây vào năm 2022 nhằm tìm kiếm sự cân bằng giữa các khu vực thịnh vượng hơn ở miền Đông Trung Quốc và miền Tây giàu năng lượng. Kế hoạch bao gồm xây dựng 10 cụm điện toán trên khắp cả nước.