Ông nhìn nhận thế nào về sự phát triển của TTCK Việt Nam, cũng như chất lượng hàng hóa thị trường những năm qua?
TS Nguyễn Văn Phụng: Kể từ ngày tổ chức phiên giao dịch đầu tiên (28/7/2020) cho đến nay, TTCK Việt Nam đã trải qua hơn 23 năm hoạt động và phát triển với không ít thành tựu đáng ghi nhận.
Kết thúc quý I/2024, trên 2 sàn HoSE, HNX có 738 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, tại sàn UPCoM có 870 cổ phiếu đăng giao dịch với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 2.151 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với cuối năm 2023, tương đương 21% GDP ước tính năm 2023.
Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu trên cả 3 sàn đạt 6.762,14 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cuối năm trước; tương đương 66,2% GDP ước tính năm 2023; có hơn 7,69 triệu tài khoản của nhà đầu tư, tăng 5,52% so với cuối năm 2023...
Về thị trường trái phiếu, đến cuối tháng 3, thị trường có 458 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 2.078 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2023, tương đương 20,3% GDP ước tính năm 2023.
Tuy nhiên, tương tự như các thị trường chứng khoán ở giai đoạn đầu phát triển, đà tăng trưởng “nóng” cùng với những bất cập trong hoạt động của một số công ty niêm yết, doanh nghiệp dịch vụ tư vấn kiểm toán, sự phối hợp trong quản lý, giám sát... thì TTCK cũng đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém.
Bên cạnh số ít các doanh nghiệp phát hành có quy mô lớn hơn 1 tỷ đô la tính đến thời điểm quý I/2024 còn quá ít, đại bộ phận còn lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sự tồn tại của nhiều mã cố phiếu bị hạn chế giao dịch, các mã cổ phiếu có giá thấp hơn mệnh giá, nhiều mã cổ phiếu hầu như không có giao dịch trên thị trường, sự thiếu vắng những thương vụ IPO mới với những hàng có chất lượng... là những hạn chế dễ dàng nhận thấy.
Trong số những hạn chế nêu trên, có vấn đề chất lượng hàng hóa trên thị trường còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu. Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán luôn dành nhiều quan tâm, có nhiều cố gắng, nỗ lực áp dụng các giải pháp quản lý, kể cả các biện pháp mạnh nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch và cải thiện chất lượng hàng hóa.
Vậy quan niệm về chất lượng hàng hóa trên TTCK được hiểu thế nào, thưa ông?
TS Nguyễn Văn Phụng: TTCK là một loại thị trường đặc biệt, trong đó hàng hóa trên TTCK là các loại chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, chứng khoán khác đủ tiêu chuẩn, được niêm yết/đăng ký giao dịch theo quy định của pháp luật.
Chất lượng của hàng hóa được giao dịch trên TTCK cần được hiểu là chất lượng hoạt động của tổ chức phát hành chứng khoán và thông tin doanh nghiệp được công bố đủ độ tin cậy. Qua đó mã chứng khoán có mức giá hợp lý, tính thanh khoản cao, giúp cho nhà đầu tư được tăng trưởng lợi ích.
Có nhiều quan niệm khác nhau về hàng hóa có chất lượng tốt giữa các nhà đầu tư trên TTCK bởi “khẩu vị” của họ không giống nhau. Với người muốn lướt sóng kiếm lời thì những cổ phiếu có biến động thường có sức hấp dẫn bởi có nhiều cơ hội gặt hái thành quả giao dịch.
Trái lại, có nhà đầu tư muốn ổn định nhận cổ tức cao thường ưu tiên các mã có mức chi trả cổ tức cao. Ngoài ra cũng có không ít người muốn cả hai, vừa muốn có cổ tức cao và kỳ vọng giá tăng để có thể hiện thực hóa kết quả đầu tư có lãi.
Tuy nhiên, cho dù sở thích nhà đầu tư ở dạng nào thì điểm chung nhất của chất lượng hàng hóa trên TTCK chính là chất lượng hoạt động, hiệu quả kinh doanh của công ty phát hành loại chứng khoán/cổ phiếu mà nhà đầu tư quan tâm. Họ cần có thông tin đầy đủ, minh bạch để có thể hiểu rõ hoạt động của và kỳ vọng, đặt niềm tin, trên cơ sở đó ra quyết định.
Vai trò của chất lượng hàng hóa cơ sở đối với sự phát triển bền vững cũng như bậc thứ hạng của TTCK được thể hiện qua mối quan hệ giữa thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.
Thị trường sơ cấp phát triển sẽ tạo nhiều hàng hóa cho thị trường thứ cấp. Ngược lại, thị trường thứ cấp sẽ tạo tính thanh khoản, tạo động lực cho thị trường sơ cấp phát triển nhanh, bền vững, duy trì sự lưu thông thuận lợi nguồn vốn trên thị trường.
Yếu tố cốt lõi của mối quan hệ liên kết và tác động tương hỗ giữa thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp, có thể nói chính là chất lượng chứng khoán được lưu hành, sự công khai, minh bạch của doanh nghiệp niêm yết. Đây là cơ sở quan trọng để TTCK hoạt động và phát triển bền vững, được các tổ chức tín nhiệm đánh giá nâng hạng thị trường.
Như vậy, có thể nói, sự phát triển của TTCK, yêu cầu nâng hạng thị trường cũng là một động lực quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp cải thiện chất lượng quản trị công ty và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào về việc nâng cao chất lượng thị trường thời gian qua?
TS Nguyễn Văn Phụng: Qua thời gian thực hiện, mặc dù đạt được một số cải thiện, nhưng nhìn chung toàn thị trường, việc nâng cao chất lượng hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Trước hết, phần lớn doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vai trò của quản trị công ty như một yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp này không có một mô hình quản trị công ty phù hợp với thực tiễn kinh doanh cũng như nhu cầu của cổ đông, nhà đầu tư đối với việc đảm bảo tính công khai minh bạch trên thị trường chứng khoán.
Nhiều công ty niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK của chúng ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ gặp phải nhiều khó khăn trong việc áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ quốc tế.
Trên giác độ toàn thị trường thì việc nâng cao chất lượng hàng hóa còn bao gồm cả việc gia tăng hàng hóa có chất lượng tốt cho thị trường thông qua các đợt IPO hoặc các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, quản trị công ty tốt thực hiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp doanh nghiệp niêm yết – cũng chính là nguồn cung hàng hóa trên “chợ” chứng khoán, lại không “mở” tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Trong khi quy định tại Nghị định 60/2015 của Chính phủ cho phép giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa có thể lên đến 100% đối với các trường hợp công ty đại chúng hoạt động trong ngành nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành liên quan không bị giới hạn sở hữu nước ngoài.
Như ông nói, việc nâng hạng thị trường có ý nghĩa quan trọng và đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên, cũng như cần thực hiện liên tục, xuyên suốt?
TS Nguyễn Văn Phụng: Đúng vậy! Việc nâng hạng thị trường chứng khoán đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên. Khi thị trường được nâng hạng thì việc thu hút vốn cho nền kinh tế tốt hơn. Thực tế, nếu được nâng hạng mà không duy trì được chất lượng hàng hoá thì chúng ta cũng sẽ bị cho xuống hạng mà thôi.
Theo đó, Nhà nước cần tạo ra môi trường vĩ mô để các doanh nghiệp phát triển tốt. doanh nghiệp phát triển tốt thì hàng hoá tốt, qua đó mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, nhà đầu tư lẫn nền kinh tế.
Nhà phát hành, những doanh nghiệp cần phát hành chứng khoán để huy động vốn cần phải nỗ lực kinh doanh, quản trị tốt, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần công khai, minh bạch thông tin, mục đích sử dụng vốn cho nhà đầu tư để họ quyết định xuống tiền.
Các nhà cung cấp dịch vụ trên thị trường là các công ty môi giới, người làm dịch vụ chứng khoán cũng cần nâng cao chất lượng của mình. Tôi mong muốn họ hãy nâng cao đạo đức kinh doanh, đừng “nói quá mức” những doanh nghiệp chất lượng kém để nhà đầu tư bị thiệt hại.
Thêm nữa, các đơn vị kiểm toán cũng cần minh bạch, công tâm. Không thể cứ kết luận vấn đề này tốt nhưng ngoại trừ các nọ, ngoại trừ cái kia, trong khi các nội dung được ngoại trừ khá tù mù và rủi ro với nhà đầu tư, bởi thực tế không phải ai cũng hiểu được bản chất của việc ngoại trừ.
Vậy tựu trung lại, theo ông, đâu là giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK cho thời gian tới?
TS Nguyễn Văn Phụng: Nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng đối với cả trước mắt và lâu dài.
Từ kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn hoạt động thị trường, đặc biệt là sau khi phát hiện ra các sự kiện tiêu cực về lừa đảo, làm giá cổ phiếu, lũng đoạn thị trường (điển hình như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, SCB), nhiều nội dung đã được đánh giá đưa vào Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Để thực hiện việc nâng cao chất lượng hàng hóa cho TTCK, cần ổn định tình hình kinh tế vĩ mô đi đôi với phát triển TTCK và tiếp tục thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; triển khai hiệu quả công tác phát triển và tái cấu trúc thị trường, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường, kể cả các giải pháp về thuế trước mắt cũng như sửa đổi các luật thuế theo chương trình xây dựng pháp luật.
Ngoài ra, hoàn thiện khung khổ pháp lý về chứng khoán và TTCK nói chung, các quy định liên quan đến hoạt động phát hành, lưu thông chứng khoán nói riêng gắn liền với mục đích bảo vệ lợi ích công chúng và nhà đầu tư; nghiên cứu và xem xét ban hành quy định và hướng dẫn về quản trị rủi ro cho các công ty đại chúng, đặc biệt đối với công ty đại chúng quy mô lớn.
Cần thực hiện thẩm định, giám sát chặt chẽ việc phát hành chứng khoán; giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích theo phương án phát hành được cấp phép; giám sát việc công bố thông tin của các doanh nghiệp huy động vốn trên TTCK; nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát việc cung cấp dịch vụ kiểm toán của các doanh nghiệp kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng báo cáo tài chính và dịch vụ kế toán - kiểm toán…
Thêm vào đó, cần thực hiện xử lý nghiêm, áp dụng các chế tài mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về tuân thủ và công bố thông tin, vi phạm pháp luật về thuế, về kế toán, kiểm toán của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến báo cáo tài chính và công khai thông tin doanh nghiệp.
Tôi cũng khuyến nghị tiến tới có lộ trình bắt buộc các đối tượng công bố thông tin bằng tiếng Anh; nghiên cứu các thông lệ tốt của quốc tế, vận dụng để có quy định áp dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam đối với các chuẩn mực về kế toán quốc tế (IAS), chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)…
Một điều nữa là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tiến tới yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải được xếp hạng tín nhiệm; nghiên cứu về tổ chức cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu, tổ chức cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững…
Xin cảm ơn ông!
Nội dung: Hoài Phong
Thiết kế: Thành Trung