Từ ngày 1/7, chuyển nhầm tiền có thể yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản bên nhận

Nghị định số 52/2024/NĐ-CP mới quy định, từ ngày 1/7, trường hợp chuyển nhầm sang tài khoản người khác có thể yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản của bên nhận. Số tiền bị yêu cầu phong tỏa không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán cũng như nêu rõ các trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán. Nghị định số 52/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

chuyen-khoan-nham-2-1716377871.jpg
Từ ngày 1/7, trường hợp chuyển nhầm tiền thì có thể yêu cầu ngân hàng phong tỏa số tiền bị chuyển nhầm

Nghị định quy định 4 trường hợp tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ: Một, theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản.

Hai, có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Ba, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có sai sót, nhầm lẫn khi ghi có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có sai sót, nhầm lẫn so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị sai sót, nhầm lẫn.

Bốn, có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.

Theo như nghị định quy định thì từ ngày 1/7, trường hợp không may chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác thì có thể yêu cầu ngân hàng phong tỏa số tiền bị chuyển nhầm này.

chuyen-khoan-nham-1-1716377872.jpg
Nếu thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện phong tỏa tài khoản thanh toán trái pháp luật gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường

Quy định này rất phù hợp với thực tế. Hiện nay, chuyển tiền trực tuyến qua tài khoản ngân hàng đã trở nên quá quen thuộc. Thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng phát triển mà Chính phủ hướng đến. Tuy nhiên, dù các ngân hàng đã liên tục cập nhật tính năng nhằm tạo thuận lợi nhất cho khách hàng thì vẫn có những trường hợp chuyển tiền nhầm.

Chị Nguyễn Thị Cẩm An - giáo viên một trường tiểu học tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, chị từng chuyển khoản nhầm 30 triệu đồng. Khi biết mình chuyển khoản nhầm, chị đã ra ngân hàng làm việc nhưng các thủ tục rất nhiều. Chị cũng học theo cách đọc được trên mạng là chuyển thêm 10 nghìn đồng vào tài khoản nhầm kia kèm nội dung xin lại số tiền. Nhưng vẫn không có kết quả.

Anh Trần Thanh Tùng (Đống Đa, Hà Nội) cũng từng chuyển nhầm hơn 1 triệu đồng thanh toán mua hàng. Anh bảo, sau khi chuyển thêm tiền cùng nội dung xin lại tiền mà không nhận được phản hồi, anh chấp nhận mất luôn. Số tiền chuyển nhầm cũng không nhiều nên anh không ra ngân hàng báo, ngại thủ tục lằng nhằng.

Nghị định số 52/2024/NĐ-CP cũng quy định việc chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán được thực hiện:

Thứ nhất, theo thỏa thuận bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Thứ hai, có quyết định chấm dứt phong tỏa của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn trong thanh toán chuyển tiền.

Thứ tư, có yêu cầu chấm dứt phong tỏa của tất cả các chủ tài khoản thanh toán chung hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.

Nghị định còn nêu rõ, chủ tài khoản thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cùng cơ quan có thẩm quyền nếu thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện phong tỏa tài khoản thanh toán trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản thanh toán thì phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, nghị định cũng quy định rõ việc đóng tài khoản thanh toán được thực hiện trong 6 trường hợp:

Thứ nhất, chủ tài khoản thanh toán có yêu cầu và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán.

Thứ hai, chủ tài khoản thanh toán là cá nhân bị chết, bị tuyên bố đã chết.

Thứ ba, tổ chức có tài khoản thanh toán chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, chủ tài khoản thanh toán vi phạm hành vi bị cấm về tài khoản thanh toán.

Thứ năm, các trường hợp theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Thứ sáu, các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.