Vụ lừa đặt cọc mua đất nền chiếm đoạt hơn 22 tỉ đồng: Những rủi ro tiềm ẩn khi giao dịch qua kênh gián tiếp

Trong giao dịch bất động sản, có một số người mua nhà đất có thói quen giao dịch trực tiếp với công ty môi giới hoặc cò đất quen biết mà không thông qua chủ sở hữu tài sản nhưng phương thức này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Các luật sư cho biết, lừa đảo tiền cọc là hành vi thường gặp nhất trong giao dịch bất động sản. Bởi lẽ, trước khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng các bên phải thực hiện thủ tục đặt cọc, tạo sự ràng buộc trách nhiệm giữa các bên.

Tuy nhiên, hợp đồng này không nhất thiết phải công chứng mà chỉ cần giấy viết tay, thực hiện bằng miệng, dễ trở thành "miếng mồi" để bên rao bán lừa đảo bên mua. Nhất là khi người mua không giao dịch với chủ sở hữu tài sản mà thông qua “cò”, người môi giới sẽ càng dễ rơi vào “bẫy” lừa cọc này. Sau khi nhận tiền cọc, đối tượng lừa đảo sẽ “mất hút”, người mua dù tìm đủ mọi cách cũng không thể liên lạc được, hoặc có cũng khó lấy lại được tiền.

mua-nha-dat-coc-1725080779.jpg
Trong giao dịch bất động sản, có một số người mua có thói quen giao dịch trực tiếp với công ty môi giới hoặc cò đất

Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ vừa chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố bị can Huỳnh Minh Đương (ngụ phường Phú Thứ, quận Cái Răng) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cơ quan điều tra, Đương làm nghề môi giới và kinh doanh bất động sản nên quen biết nhà đầu tư và nắm được thông tin về các lô đất nền của các hộ dân được cơ quan có thẩm quyền cấp tái định cư tại dự án khu tái định cư Tân Phú và khu tái định cư Phú An (quận Cái Răng).

Thời gian đầu, Đương đã môi giới cho nhiều người mua bán khá thuận lợi nên đã tạo được lòng tin cho các nhà đầu tư, nhiều người thậm chí còn đặt cọc tiền trước để nhờ Đương mua đất. Tuy nhiên, do kinh doanh thua lỗ, Đương đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Theo đó, Đương cho biết có lượng “hàng ngoại giao” lớn nhưng chủ sở hữu là lãnh đạo cấp cao nên không trực tiếp thỏa thuận giao dịch mà để cho anh ta đại diện, trao đổi thỏa thuận mua bán đất như tiền đặt cọc, đứng tên giấy đất…Đồng thời cam kết trả cho khách hàng một khoản tiền hoa hồng cao.

Đương hẹn với các bị hại, sau khi đặt tiền cọc mua đất nền từ 15-30 ngày sẽ ký công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ hoàn trả tiền gốc và một khoản tiền hoa hồng. Với thủ đoạn này, Đương chiếm đoạt tiền của 15 bị hại với hơn 22 tỷ đồng.

mua-nha-1725080883.jpeg
Lừa đảo tiền cọc là hành vi thường gặp nhất trong giao dịch bất động sản

Tương tự, công an TP Vũng Tàu cũng tiếp nhận một sự việc liên quan đến anh Trần Văn T (ngụ tại phường Thắng Nhất, TP Vũng Tàu) đã ký hợp đồng đặt cọc 300 triệu đồng để mua thửa đất có diện tích 223m2 tại TP Vũng Tàu với giá 1,7 tỉ đồng với một môi giới. Tuy nhiên, khi đã quá thời hạn và nhiều lần yêu cầu nhưng không thấy môi giới nà này làm thủ tục sang tên như đã thỏa thuận.

Sau thời gian dài chờ đợi, anh T đã tìm đến chủ đất thì người này nói không liên quan đến giao dịch, người kia chỉ là môi giới mà họ nhờ tìm người mua đất.

Luật sư Thu Hà (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, có những trường hợp đặt cọc với công ty môi giới nhưng sau khi nhận cọc của nhiều người, công ty cũng “biến mất” không rõ lý do, chủ nhà cũng phủ nhận mối quan hệ giữa 2 bên. Nếu căn cứ trên hợp đồng đặt cọc đã ký kết, chủ nhà không có trách nhiệm với khoản tiền đặt cọc của người mua. Trong trường hợp này, bên mua gần như mất trắng số tiền đặt cọc.

Luật sư Hà khuyến nghị, để thực hiện hành vi lừa đảo nhận tiền cọc rồi chiếm đoạt, các đối tượng sẽ đăng tin rao bán nhà đất với giá khá thấp so với thị trường với hình ảnh sổ sách, giấy tờ nhà đất xác thực, rõ ràng, cùng lời mời gọi hấp dẫn. Nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM với lượng người mưu cầu chỗ ở ổn định lớn.

Sau khi tiếp cận được khách hàng, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu khách cọc tiền hoặc một phần tiền với cam kết chỉ bằng giấy viết tay. Chiêu thức nà cứ lặp đi lặp lại, tiếp tục gom tiền của nhiều người nhẹ dạ, cả tin rồi cao chạy xa bay. Do đó, trước khi tiến hành giao dịch mua bán nhà đất môi giới có phải nhân viên của sàn phân phối được chủ đầu tư, chủ nhà ủy quyền hay không mới “xuống tiền”.