Nuôi nhiều trẻ để dễ vận động các nguồn lực xã hội
Chiều 5/9, bà Võ Thị Chính - Phó chủ tịch UBND quận 12 (TP. HCM) đã thông tin về công tác kiểm tra, xử lý đối với Mái ấm Hoa Hồng (phường Trung Mỹ Tây, quận 12). Mái ấm Hoa Hồng được thành lập năm 2023, người đại diện theo pháp luật là bà Giáp Thị Sông Hương.
Theo giấy phép, đây là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí có chức năng trợ giúp, nuôi dưỡng các trẻ em cơ nhỡ, bị bỏ rơi, mồ côi, sống lang thang. Dù chỉ được cấp giấy phép hoạt động chỉ 39 trẻ nhưng tại thời điểm kiểm tra ngày 4/9, cơ sở này có đến 86 trẻ, vượt 47 trẻ.
Bà Chính cho biết, trước đó, Phòng LĐ-TB-XH quận 12 cùng các đơn vị liên quan đã kiểm tra định kỳ mái ấm 2 lần vào tháng 10/2023 và tháng 4/2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 12 cũng giám sát vào tháng 7/2024 nhưng không phát hiện sai phạm về số lượng trẻ vượt và hành vi bạo hành. "Điều này cho thấy chủ cơ sở có sự đối phó tinh vi với cơ quan quản lý nhà nước", bà Chính nhìn nhận.
Khi được đặt câu hỏi 47 trẻ vượt giấy phép từ đâu đến, bà Chính cho hay, trong các lần kiểm tra trước đó, chủ cơ sở này đều xuất trình giấy tờ của 39 trẻ. Hiện Công an quận 12 tiếp tục làm việc với chủ cơ sở để làm rõ nguồn gốc 47 trẻ ở đâu ra và xem xét có yếu tố trục lợi hay không.
Bà Chính cũng nêu khó khăn khi kiểm tra thường xuyên thì phải có kế hoạch, đồng thời phải báo trước cho chủ cơ sở nên sẽ khó phát hiện. Do vậy, sắp tới, quận sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất từ các thông tin phản ánh từ hệ thống chính trị cơ sở, công an khu vực.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, luật quy định ưu tiên nuôi dưỡng trẻ trong môi trường gia đình hoặc chăm sóc thay thế, đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội và chăm sóc tập trung là biện pháp cuối cùng. Tuy nhiên, quy định này không được thực hiện nghiêm dẫn tới tình trạng cơ sở quá tải.
Dù vậy, các cơ sở cũng không báo cáo để chuyển trẻ đi nơi khác mà giữ lại để dễ vận động các nguồn lực xã hội. Bởi cơ sở ngoài công lập chăm sóc không thu phí nên được phép vận động các nguồn lực đóng góp từ xã hội, người dân, gồm tiền bạc, hàng hóa, vật chất để nuôi dưỡng trẻ.
Chấn chỉnh việc “chỉ nhận tiền không nhận quà”
Về vấn đề tiếp nhận từ thiện, ông Nguyễn Tăng Minh - Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH cũng thông tin, các cơ sở ngoài công lập có những nguồn vận động từ tổ chức, cá nhân từ thiện... Tuy nhiên, Sở tiếp nhận thông tin một số các cơ sở không nhận quà chỉ nhận tiền.
Ông Minh nhấn mạnh, nếu phát hiện cơ sở nào có hành vi này, Sở sẽ chấn chỉnh, khắc phục ngay vì các cháu cũng cần quà, sữa, thức ăn, tập vở, đồ dùng cá nhân. Việc từ thiện xuất phát từ tấm lòng, của cho không bằng cách cho, không phải chỉ nhận tiền không nhận quà. Còn những vấn đề liên quan đến địa phương thì sẽ tăng cường kiểm tra để không có những trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra.
Thời gian tới đây, Sở LĐ-TB-XH TP. HCM sẽ tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất và kiểm tra chéo. Định kỳ hàng quý, cơ quan quản lý họp giao ban với các cơ sở xã hội ngoài công lập để giải quyết những vấn đề cơ sở đề xuất, kiến nghị.
Nói thêm về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, vẫn còn những lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống giám sát các cơ sở trợ giúp xã hội, đặc biệt là các cơ sở ngoài công lập, do thiếu vắng các công cụ giám sát hiện đại như camera an ninh. Điều này tạo điều kiện cho các hành vi bạo hành xảy ra và khiến các cơ sở dễ dàng "trình diễn" hình ảnh tốt đẹp trước nhà tài trợ.
Ngoài ra, ông Nam cũng chỉ ra sự thiếu hụt nghiêm trọng của đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp tại các cơ sở này. Các cơ quan quản lý gặp nhiều áp lực vì không có đủ nhân sự để giám sát thường xuyên hàng trăm cơ sở trợ giúp xã hội trên cả nước.
Để giải quyết tình trạng quá tải tại các cơ sở trợ giúp xã hội, ông Nam đề xuất xây dựng cơ chế chuyển tuyến bắt buộc. Theo đó, khi một cơ sở vượt quá khả năng tiếp nhận, địa phương sẽ có trách nhiệm chuyển trẻ em đến các cơ sở khác. Sở Lao động Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm Công tác xã hội cấp tỉnh sẽ đóng vai trò đầu mối trong việc điều phối và thực hiện cơ chế này.
Ngày 5/9, Công an quận 12 cùng các phòng nghiệp vụ Công an TP. HCM đã tạm giữ bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974, ngụ quận Gò Vấp, chủ Mái ấm Hoa Hồng), bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (SN 1978, bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) và một số bảo mẫu khác để điều tra về hành vi ngược đãi, bạo hành trẻ em.
Qua làm việc, Nguyễn Thị Ngọc Cẩm thừa nhận, quá trình chăm sóc các trẻ, Cẩm nhiều lần dùng tay đánh vào cơ thể của trẻ để làm các cháu sợ, không quấy khóc. Căn cứ các tài liệu điều tra thu thập được, hành vi của Nguyễn Thị Ngọc Cẩm đủ yếu tố cấu thành tội “Hành hạ người khác” quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự.
Trong khi đó, Báo Vietnamnet đăng tải, bà Giáp Thị Sông Hương tường trình với công an rằng, bà không biết chuyện bạo hành tại cơ sở và Mái ấm Hoa Hồng không bao giờ chủ trương những hành vi bạo hành như vậy. Đó là hành động bộc phát, mất kiểm soát trong lúc chăm sóc của các bảo mẫu.