Từ vụ tai nạn nghiêm trọng trên cao tốc đến ý thức của người tham gia giao thông

Việc đứng tranh cãi với nhau trên làn 120km/h là điều đáng trách. Tài xế không tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ và các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho chính mình, người và phương tiện tham gia lưu thông cùng tuyến cao tốc.

Sáng 11/7, một vụ tai nạn liên hoàn nghiêm trọng đã xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Hậu quả khiến 2 người chết, 2 người bị gãy xương đùi, tổn thương gan phải chuyển lên Hà Nội điều trị, 4 người khác nằm theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn trên là do tài xế xe bán tải và xe 16 chỗ dừng trên làn 120km/h để cãi nhau sau va chạm.

Báo cáo từ Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương cho thấy, dù va chạm nhẹ, 2 tài xế không cho xe di chuyển vào làn dừng khẩn cấp và người trên 2 xe này cũng không ra khỏi làn đường cao tốc. Sau khi người trên 2 xe dừng lại tranh cãi khoảng 3-5 phút, một chiếc xe 7 chỗ lao tới đâm trúng. Chiếc xe còn đâm vào hông ôtô 16 chỗ rồi xoay ngang giữa đường.

tai-nan-cao-toc-1720854527.jpg
Vụ tai nạn khiến 2 người tử vong (Ảnh: Xuân Hoa/vnexpress)

Đánh giá về vụ tai nạn trên, một chuyên gia giao thông chia sẻ, những người tham gia vào vụ tranh cãi, đặc biệt là tài xế xe khách rất thiếu kỹ năng tham gia giao thông trên đường cao tốc. Bởi tài xế xe khách là lái xe chuyên nghiệp, bắt buộc phải được tập huấn các kỹ năng xử lý tình huống. Rất tiếc là tài xế này đã gần như không tuân thủ các quy định, thậm chí coi thường tính mạng của bản thân và những người trên xe khi dừng xe trên đường cao tốc để cãi nhau.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, vụ việc là lời cảnh tỉnh cho các tài xế, đặc biệt là những người tham gia lưu thông trên cao tốc. Tài xế phải hiểu và có trách nhiệm thực hiện đúng, nếu làm sai, không tuân thủ các quy định ở làn cao tốc 120km/h sẽ là mối hiểm họa cho rất nhiều phương tiện và người tham gia giao thông khác.

Ông Bằng nhấn mạnh, việc đứng tranh cãi với nhau trên làn 120km/h là điều đáng trách. Tài xế không tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ và các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho chính mình, các phương tiện và người tham gia giao thông khác trên cùng tuyến đường đó.

Nhiều người cho rằng, pháp luật hiện hành quy định, khi xảy ra tai nạn giao thông phải giữ nguyên hiện trường. Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) giải thích, quy định là như vậy nhưng tài xế phải bật ngay đèn, đặt vật cảnh báo như chóp nón, tam giác phản quang… cách nơi xảy ra tai nạn từ 100 m- 120m. Sau đó, tài xế phải báo cho lực lượng CSGT qua số điện thoại 19008099.

Ngoài ra, tài xế cũng phải điều khiển phương tiện về sát lề đường cách xe bị tai nạn khoảng 200m dùng vật như áo, khăn… báo hiệu cho các xe phía sau biết để giảm tốc độ. Trường hợp chỉ va chạm nhẹ, thiệt hại không đáng kể thì tài xế có thể đưa xe vào làn dừng khẩn cấp, thực hiện đầy đủ cảnh báo rồi báo cho lực lượng chức năng.

tai-nan-cao-toc-1-1720854527.jpg
Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Hoài Anh/Vietnamnet)

 Đại tá Nguyễn Quang Nhật nhấn mạnh, việc xử lý sự cố va chạm trên cao tốc nói riêng, đường giao thông nói chung là của lực lượng chức năng, các tài xế không tự tranh cãi, giải quyết ở giữa đường.

Ông Trần Hữu Minh - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng cho rằng, trong vụ tai nạn trên, tài xế và người trên xe phải di dời ra khỏi cao tốc càng nhanh càng tốt, đồng thời nhanh chóng liên hệ với cơ quan chức năng. Tài xế cần phải bật cảnh báo nguy hiểm để các phương tiện phía sau biết.

Tuy vậy, điều này mới chỉ bảo đảm an toàn cho những người trên xe, để không xảy ra các vụ va chạm tiếp theo thì cần phụ thuộc rất nhiều vào những người tham gia giao thông trên cao tốc thời điểm đó và cơ quan chức năng.

Theo ông Minh, người tham gia giao thông khi qua khu vực tai nạn cần phải bấm đèn khẩn cấp để cảnh báo cho các phương tiện phía sau biết, đồng thời có trách nhiệm liên hệ báo với cơ quan chức năng. Còn cơ quan chức năng cần phải phát hiện sự cố sớm nhất để có mặt xử lý và kiểm soát dòng giao thông đi qua khu vực.

Ông Minh cũng đánh giá, vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phong là tình huống mới và các cơ quan chức năng cần phân tích, mổ xẻ để có những giải pháp kịp thời khi sắp tới đây hàng loạt tuyến cao tốc được đưa vào khai thác.