Tự ý lấy xe đang bị công an tạm giữ sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư Quách Thành Lực nhấn mạnh, người dân không nên nhầm lẫn mình là chủ xe, sở hữu xe trên giấy tờ thì tùy ý lấy phương tiện đang bị tạm giữ vì vi phạm giao thông. Bởi hành vi này là trộm cắp tài sản.

Hiện nay, không ít người bị khởi tố hình sự vì trốn đóng tiền phạt mà tự ý lấy phương tiện giao thông tại bãi tạm giữ của công an. Hành vi này cấu thành tội trộm cắp tài sản, song nhiều người vẫn cố tình thực hiện.

Như mới đây, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Nguyễn Văn Bình (SN 1979, Hải Dương) để điều tra tội trộm cắp tài sản. Theo đó, Bình đã mua một chiếc xe ô tô cũ, không có giấy tờ với giá 80 triệu đồng. Khi Bình đậu xe sai quy định trên đường Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm) đã bị cảnh sát giao thông lập biên bản vi phạm, đưa xe về bãi tạm giữ số 3 Lê Quang Đạo (Hà Nội).

tu-y-lay-xe-1-1723337135.jpeg
Đối tượng Bình bị bắt vì tự ý lẻn vào bãi tạm giữ để lấy ô tô của chính mình

Thay vì nộp phạt, Bình lại nhờ nhân viên của một gara sửa chữa ô tô gần đó lẻn vào bãi tạm giữ để lấy xe về. Phát hiện xe bị mất, nhân viên bãi xe đã báo với cơ quan công an.

Trước đó, ngày 20/11/2023, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát hiện Nguyễn V.A.T. (SN 2007) lẻn vào khu vực tạm giữ phương tiện, tự ý dắt xe máy BKS 73AG-039.80 ra ngoài khi chưa có quyết định, biên bản trả lại tang vật. Làm việc với công an, Nguyễn V.A.T. khai do không có tiền đóng phạt vi phạm giao thông nên đã lẻn vào dắt chiếc xe của mình đi.

T. bị tạm giữ phương tiện sau 2 lần vi phạm giao thông liên tiếp. Lần 1, T. bị xử phạt 950 ngàn đồng. Vài tuần sau, T. tiếp tục vi phạm lần 2 với các lỗi: Điều khiển xe mô tô không có gương chiếu hậu, tự ý thay đổi đặc tính xe, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của cảnh sát giao thông. Do đã vi phạm lần một, nắm rõ khu vực nơi tạm giữ phương tiện nên T. đã lẻn vào lấy xe để trốn việc đóng tiền phạt.

tu-y-lay-xe-1723337135.jpg
T. tại cơ quan công an

Vào năm 2022, Trần Minh Thành (SN 1984) và Nguyễn Ngọc Báu (SN 1986, cùng trú huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cũng bị khởi tố về hành vi trộm cắp tài sản khi lẻn vào bãi tạm giữ phương tiện để lấy xe về.

Theo đó, khi Thành điều khiển ô tô lưu thông trên đường thì bị tổ công tác Công an huyện Bình Xuyên kiểm tra nồng độ cồn. Thành được xác định vi phạm mức 1,133mg/lít khí thở nên bị tạm giữ xe. Sau đó, Thành rủ Báu lợi dụng sơ hở của bảo vệ để lấy ô tô đưa đi cất giấu. Trị giá của chiếc ô tô khoảng 250 triệu đồng.

Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, khi bị CSGT lập biên bản tạm phương tiện, đây là thủ tục hành chính. Để tạm giữ phương tiện, cơ quan chức năng sẽ thuê bãi và tiến hành trông giữ. Quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, thực hiện hợp đồng, chiếc xe nằm trong sự quản lý của đơn vị trông giữ xe. Vì thế, hành vi lén lút lấy chiếc xe này khỏi nơi tạm giữ là đã cấu thành tội trộm cắp tài sản.

Trong trường hợp này, bị hại là người đang quản lý tài sản chứ không phải người sở hữu tài sản. Bởi, người quản lý tài sản có trách nhiệm bảo quản và nếu gây thiệt hại phải bồi thường cho chủ sở hữu.

Luật sư Lực nhấn mạnh, người dân không nên nhầm lẫn mình là chủ xe, sở hữu xe trên giấy tờ thì tùy ý lấy chiếc xe đã bị tạm giữ vì vi phạm giao thông. Bởi chỉ cần tự ý lấy tài sản có giá trị trên 2 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp đặc biệt theo quy định sẽ thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015. Hình phạt cho người phạm tội này từ cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.