Tuyệt đối không sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn cho trẻ mầm non

Nhằm đảm bảo bữa ăn cho trẻ mầm non, Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu tuyệt đối không thực hiện hợp đồng dịch vụ cung cấp suất ăn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non, bữa ăn phải được nấu ấm nóng tại trường, bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm.

Chất lượng bữa ăn học đường là một mối quan tâm lớn đối với phụ huynh, không chỉ vì nó ảnh hưởng đến khả năng học tập của học sinh trong suốt một ngày dài ở trường mà còn vì tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển thể chất lẫn trí tuệ của trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng.

Giai đoạn mầm non là thời điểm trẻ phát triển nhanh chóng cả về thể chất lẫn trí não. Dinh dưỡng không chỉ cung cấp năng lượng cho các hoạt động hàng ngày mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, hệ thống miễn dịch và khả năng học tập. Thiếu hụt dinh dưỡng có thể dẫn đến chậm phát triển, suy dinh dưỡng hoặc béo phì, cùng các vấn đề sức khỏe lâu dài khác.

tre-mam-non-1-1725495760.jpg
Bữa ăn chỉ có mì tôm và cháo loãng không có thịt tại Trường mầm non độc lập Zing Zing

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan đến chất lượng bữa ăn tại các trường mầm non đã xảy ra. Đơn cử như tại Hà Nội, các phụ huynh đã lên tiếng về việc Hiệu trưởng Trường mầm non độc lập Zing Zing (quận Đống Đa) cho trẻ hơn một tuổi ăn mì tôm và cháo loãng không có thịt, trong khi học phí hàng tháng lên đến 4 triệu đồng và phí ăn hàng ngày là 50.000 đồng. Sau khi những vấn đề này được phát hiện, hoạt động của nhóm trẻ này đã bị tạm dừng do không tuân thủ quy định.

Trường hợp tương tự cũng được ghi nhận tại American Montessori International School (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), nơi phụ huynh phản ánh suất ăn thiếu chất lượng gồm nước cam pha loãng, chuối và nho được chia sẻ giữa nhiều học sinh, cháo trắng chỉ có một vài miếng thịt. Mức phí ăn hàng ngày tại đây là 70.000 đồng, trong khi học phí hàng tháng là 11 triệu đồng.

Còn tại tỉnh Lai Châu, vụ việc ở Trường mầm non Dào San cũng đã gây ra nhiều tranh cãi khi hiệu trưởng bị cáo buộc chỉ đạo giảm khẩu phần ăn của học sinh so với định mức và sử dụng tiền tiết kiệm từ việc này vào mục đích cá nhân.

Nhằm đảm bảo bữa ăn cho trẻ mầm non, Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu, trong năm học mới thực hiện nghiêm công tác tổ chức nuôi dưỡng theo quy định về số bữa ăn, nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị, phân bố bữa ăn phù hợp. Phối hợp cùng ngành Y tế bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định, tuyệt đối không thực hiện hợp đồng dịch vụ cung cấp suất ăn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non. Bữa ăn phải được nấu ấm nóng tại trường, bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm.

tre-mam-non-2-1725495760.jpg
Bữa ăn cho trẻ mầm non phải được nấu ấm nóng tại trường

Để thực hiện tốt nội dung trên, Bộ cũng yêu cầu các trường phải tăng cường điều kiện tổ chức bữa ăn cho trẻ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, có sự tham gia giám sát của Ban đại diện cha mẹ trẻ em trong về chất lượng bữa ăn và an toàn thực phẩm, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác tổ chức bữa ăn.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn yêu cầu các trường mầm non, cơ sở mầm non có biện pháp đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Quán triệt thực hiện nghiêm quy định về công tác phòng chống bạo hành trẻ em, bảo đảm an toàn trường học; triển khai thực hiện quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục.

Năm học 2023 - 2024, đã từng xảy ra sự việc đau lòng đó là xe đưa đón của một cơ sở giáo dục mầm non ở Thái Bình bỏ quên trẻ trên xe đưa đón dẫn đến tử vong. Do đó, Bộ cũng nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức dịch vụ đưa đón trẻ em bằng xe ô tô, phải tuân thủ nghiêm quy định pháp luật hiện hành, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối bảo đảm an toàn cho trẻ em.

Các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn cho trẻ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.