Tỷ lệ thu hồi trái phiếu chậm trả tăng đáng kể, "sức khỏe" của các doanh nghiệp bất động sản được đánh giá ra sao?

Trong số 567 trái phiếu chậm trả phát sinh từ năm 2022, đã có 63 mã đã thanh toán toàn bộ gốc lãi chậm trả và 294 mã đang trong quá trình tái cấu trúc. Tỷ lệ thu hồi của các trái phiếu chậm trả đã tăng lên 20,8% vào cuối tháng 8/2024.

VIS Rating vừa công bố báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tháng 8. Theo đó, lượng phát hành mới tăng lên 57.700 tỉ đồng, tương đương 23,3% so với tháng trước. Trong số này, các ngân hàng thương mại tiếp tục chiếm đa số với tổng cộng 51.300 tỉ đồng.

Tỷ lệ chậm trả vẫn trong xu hướng giảm

Trong tháng 8, chỉ có 1 mã trái phiếu công bố chậm trả lãi định kỳ lần đầu có giá trị 450 tỉ đồng của Tập đoàn Novaland. Lô trái phiếu này được Novaland phát hành vào tháng 8/2020 với kỳ hạn 3 năm và đến tháng 7/2023 đã được lùi thời gian đáo hạn một năm. Đến hạn tháng 7/2024, lô trái phiếu này tiếp tục được gia hạn thêm 1 lần nữa đến tháng 5/2025.

Tổng số trái phiếu chậm trả phát sinh mới tính từ đầu năm đến cuối tháng 8/2024 là 12.700 tỷ đồng. Cũng tính đến thời điểm này, tỷ lệ chậm trả lũy kế đã giảm nhẹ xuống còn 14,9% so với 15,1% của tháng trước. Khoảng 63% tổng giá trị trái phiếu chậm trả đến từ nhóm bất động sản nhà ở, với tỷ lệ chậm trả lũy kế là 31%.

Đáng chú ý, việc xử lý TPDN chậm trả đang có những cải thiện. Trong tháng 8/2024, 13 tổ chức phát hành chậm trả thuộc các lĩnh vực bất động sản nhà ở, bán lẻ và nông nghiệp đã hoàn trả tổng cộng 2.400 tỷ đồng tiền gốc cho các trái chủ.

tpdn-1726471347.jpeg
Tỷ lệ thu hồi của các trái phiếu chậm trả đã tăng lên 20,8% vào cuối tháng 8/2024

Sau khi thanh toán một phần, dư nợ trái phiếu chậm trả còn lại của nhóm các tổ chức phát hành này còn 8.500 tỷ đồng. Phần lớn các khoản thanh toán nợ gốc TPDN chậm trả trong tháng 8/2024 liên quan đến Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản và Vật tư (CAJIMEX).

Các trái phiếu của CAJIMEX phát hành vào năm 2020 và đáo hạn vào tháng 12/2026 nhưng đã bắt đầu chậm trả lãi định kỳ lần đầu trong năm 2023. Đến tháng 8/2024, công ty đã hoàn tất mua lại toàn bộ trái phiếu theo thỏa thuận với các trái chủ.

Về các trái phiếu chậm trả phát sinh từ năm 2022, có 63 mã trái phiếu (trong tổng số 567 mã chậm trả) đã thanh toán toàn bộ gốc lãi chậm trả cho các trái chủ và 294 trái phiếu đang trong quá trình tái cấu trúc. Tỷ lệ thu hồi của các trái phiếu chậm trả đã tăng lên 20,8% vào cuối tháng 8/2024.

Nỗi lo vẫn còn lớn

Cũng theo VIS Rating, trong tháng 9/2024, tổng giá trị trái phiếu đạo hạn đạt 24.500 tỉ đồng, trong khi tháng 8 là 18.100 tỉ đồng. VIS Rating dự kiến, trong số trái phiếu đáo hạn này có khoảng 1.800 tỉ đồng có nguy cơ chậm trả nợ gốc, phần lớn trong số này đã chậm trả lãi trước đó.

“Trong vòng 12 tháng tới, chúng tôi ước tính có khoảng 18% trong số 245.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có nguy cơ chậm trả nợ gốc. Trong số này, 76% giá trị trái phiếu rủi ro cao thuộc các công ty trong nhóm ngành bất động sản nhà ở và xây dựng”, VIS Rating nhận định.

Nói về “sức khỏe” của các doanh nghiệp bất động sản, các chuyên gia nhận xét, đây là nhóm đang gặp nhiều khó khăn do sử dụng đòn bẩy tài chính cao trong thời gian dài nhưng nguồn thu vẫn chưa hồi phục. Điều này khiến các doanh nghiệp chưa thể quay trở lại quỹ đạo kinh doanh.

tpdn-1-1726471389.jpg
Hơn 1 nửa các doanh nghiệp dạng "vỏ" có vấn đề trong việc trả nợ

Đơn cử như trường hợp Công ty Hano-vid, theo thông tin công bố nửa đầu năm 2024, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ghi nhận 6,77 lần, tăng mạnh so với cùng kỳ (4,42 lần), tương ứng nợ phải trả ở mức 34.000 tỉ đồng. Dù dơ nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu đã giảm từ 1,83 lần trong 6 tháng đầu năm 2023 xuống 1,81 lần , tương ứng dư nợ trái phiếu đang ở mức gần 9.600 tỉ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp khá khiêm tốn ở mức 7,8 tỉ đồng, giảm gần 81% so với cùng kỳ. 

Ngoài ra, VIS Rating cũng cho biết, có hơn 60% giá trị trái phiếu rủi ro cao trong năm 2024 đến từ nhóm công ty dạng "vỏ" (không có hoạt động kinh doanh cốt lõi) nhưng vẫn phát hành trái phiếu để huy động vốn. Những doanh nghiệp này kém minh bạch và khả năng trả nợ yếu, nên có tỷ lệ chậm trả cao và có liên quan đến các nhóm doanh nghiệp đang chậm trả gốc, lãi trái phiếu.

Trong số nhóm doanh nghiệp "vỏ" này, các đơn vị có vấn đề trong việc trả nợ chiếm hơn một nửa. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là nhiều doanh nghiệp nhóm này không có website, thể hiện sự thiếu minh bạch trong công bố thông tin. Trong khi đó, bên mua lại trái phiếu của nhóm này chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.