Uniliver bị điều tra với cáo buộc “tẩy xanh doanh nghiệp”

Unilever bị Cơ quan Thị trường và Cạnh tranh của Anh cáo buộc phóng đại tính thân thiện môi trường của một số sản phẩm. Cơ quan này đang tập trung truy cứu trách nhiệm của Unilever khi bị nghi ngờ tham gia vào hoạt động "tẩy xanh doanh nghiệp".

Hiện nay, ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng các sản phẩm và thương hiệu bảo vệ môi trường. Chủ nghĩa tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng khi người tiêu dụng nhận thức rõ hơn những tác động đến môi trường từ các sản phẩm mà họ chọn.

Theo xu hướng này, thị trường cho các sản phẩm xanh và bền vững cũng phát triển mạnh mẽ. Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm được đánh giá là thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, xu hướng này phát triển cũng mang theo những thách thức. Nhiều công ty để khai thác nhu cầu sử dụng các sản phẩm bền vững mà đưa ra các chiến thuật tiếp thị gây hiểu lầm về sự thân thiện với môi trường của sản phẩm. Hiện tượng “tẩy xanh doanh nghiệp” này mang nhiều nguy hại khi không chỉ làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng mà còn làm cản trở những nỗ lực thực sự hướng tới sự bền vững.

Unilever bị cáo buộc phóng đại tính thân thiện môi trường của một số sản phẩm

Mới đây, Unilever cũng đã bị điều tra tại Anh với cáo buộc phóng đại tính thân thiện môi trường của một số sản phẩm. Unilever là một tập đoàn hàng tiêu dùng quốc tế, sở hữu tới hàng trăm thương hiệu trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, các thương hiệu nổi tiếng của Unilever có thể kể đến như Lifebuoy, Sunsilk, Knorr, Dove, Lux, Sunlight, Surf, Vim, Close Up, and Lipton, Clear, Omo, Hazeline…

Thông tin từ tờ ibtimes của Anh, đơn vị đưa ra cáo buộc với Unilever là Cơ quan Thị trường và Cạnh tranh (CMA). Theo CMA, cơ quan này đang tập trung truy cứu trách nhiệm các công ty bị nghi ngờ tham gia vào hoạt động "tẩy xanh doanh nghiệp". Cuộc điều tra đặt ra thách thức về mức độ minh bạch trong các tuyên bố về môi trường của Unilever và có thể tạo ra tác động tiềm tàng đối với người tiêu dùng đang cố gắng hướng đến các sản phẩm bền vững.

CMA lo ngại Unilever có thể đánh lừa người tiêu dùng thông qua những tuyên bố không rõ ràng và chung chung về tính thân thiện với môi trường của một số sản phẩm cụ thể. Cơ quan giám sát chỉ ra rằng, việc sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh trên bao bì có thể làm phóng đại tính thân thiện với môi trường của các sản phẩm. Ví dụ, việc sử dụng lá xanh và các màu sắc cụ thể có thể gây ảnh hưởng không đúng đến ý thức bảo vệ môi trường và không phản ánh đúng tác động thực tế của sản phẩm.

Cuộc điều tra này của CMA nhằm kiểm tra cẩn thận các tuyên bố xanh trong quảng cáo cho nhiều loại hàng hóa khác nhau, từ đồ vệ sinh cá nhân đến sản phẩm tẩy rửa, thực phẩm và đồ uống.

Trước cáo buộc này, Unilever đã phản đối mạnh mẽ, đồng thời bày tỏ sự ngạc nhiên và thất vọng trước cuộc điều tra của CMA. Công ty khẳng định mọi cáo buộc về phóng đại tính thân thiện môi trường của một số sản phẩm là không đúng. Công ty luôn sẵn sàng và cam kết cung cấp đầy đủ thông tin một cách có trách nhiệm và minh bạch.

Unilever từng bị Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo (ASA) cấm 1 quảng cáo cho nhãn hiệu bột giặt Persil vì những tuyên bố về môi trường "gây hiểu lầm". Theo cơ quan này, quảng cáo trên truyền hình khẳng định Persil "tốt hơn với hành tinh của chúng ta" đã không chứng minh được lợi ích môi trường.

(Tổng hợp từ Ibtimes)