Đề nghị làm rõ nghịch lý doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng lãi đậm

Trong bối cảnh năm 2023, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, nhưng các ngân hàng lại lần lượt ghi nhận những khoản lợi nhuận “khổng lồ”, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đề nghị Chính phủ làm rõ.

Trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách Nhà nước tại phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết đã ghi nhận nhiều kết quả nổi bật trong năm 2023. Tuy nhiên bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra vẫn chỉ ra những mặt còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục khi cả năm qua có 5/15 chỉ tiêu không đạt.

Trong đó, tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, chậm cải thiện. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi năm 2023 bình quân có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 1 tháng.

Bên cạnh đó, công tác điều hành tăng trưởng tín dụng còn nhiều hạn chế, thấp hơn mục tiêu đề ra, tiếp cận vốn khó khăn. Nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán và trái phiếu còn nhiều khó khăn khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế phần lớn qua kênh tín dụng, khiến gia tăng áp lực, tiềm ẩn rủi ro với hệ thống ngân hàng.

Từ những vấn đề này, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có đánh giá phân tích về nguyên nhân, mức độ tác động của tăng trưởng tín dụng đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, làm rõ việc các ngân hàng thương mại lãi lớn trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn.
 

loi-nhuan-ngan-hang-1716199510.gif
Việc các ngân hàng lãi lớn trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn cần phải được làm rõ

Liên quan đến lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2023, lũy kế lợi nhuận sau thuế của 27 ngân hàng niêm yết đạt hơn 198.446 tỉ đồng. Theo đó, Vietcombank duy trì vị trí quán quân với khoản lợi nhuận sau thuế đạt 33.054 tỉ đồng; đứng thứ 2 là BIDV với 22.027 tỉ đồng; tiếp đến là MB với mức 20.667 tỉ đồng, VietinBank đạt 20.133 tỉ đồng, Techcombank là 18.191 tỉ đồng, HDBank với 10.366 tỉ đồng…Trong năm 2023, chỉ có duy nhất 1 ngân hàng báo lỗ là NCB, còn lại đều có mức lợi nhuận từ vài chục đến vài nghìn tỷ đồng.

Nhìn vào kết quả này có thể thấy, dù đối diện với nhiều khó khăn như tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm do tổng cầu thế giới suy yếu, thị trường bất động sản là khu vực thu hút nguồn vốn tín dung lớn nhất vẫn trầm lắng, nhưng kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong năm 2023 vẫn rực rỡ.

Theo nhận định của các chuyên gia, lợi nhuận ngân hàng trong năm 2023 vẫn chủ yếu từ mảng tín dụng bởi thống kê từ BCTC của các ngân hàng hầu hết đều cho thấy các khoản thu ngoài lãi ảm đạm, mảng kinh doanh bảo hiểm giảm mạnh.

Dù bức tranh tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng khá tốt nhưng nợ xấu vẫn còn là một gánh nặng khiến nhiều nhà băng phải “đau đầu”. Theo số liệu tài chính của các ngân hàng, nợ nhóm 5 có xu hướng tăng, thậm chí một số đơn vị lâu nay vẫn được xem là có khẩu vị rủi ro thấp vẫn ghi nhận nợ xấu tăng đều cả 3 nhóm.

Chẳng hạn tại Techcombank, đến cuối năm 2023, tổng nợ xấu của ngân hàng ghi nhận gần 6.000 tỉ đồng, trong đó nợ nhóm 3 tăng 105,8%, lên 1.857 tỷ đồng; nợ nhóm 4 tăng 144%, lên 2.762 tỷ đồng; nợ nhóm 5 tăng 38%, lên 1.380 tỷ đồng.

ngan-hang-0-dong-1716204375.jpg
Chính phủ đã hoàn thành định giá 3 ngân hàng được chuyển giao bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5

Theo dữ liệu của Wigroup, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, lên trên ngưỡng 3%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu có xu hướng giảm xuống dưới 100%, thay vì luôn ở trên 100% như trước đây. Dự kiến nợ xấu sẽ còn gia tăng và có thể đạt đỉnh trong năm nay khi Thông tư 02 hết hiệu lực từ ngày 30/6/2024.

Ngoài việc đề nghị làm rõ các con số lợi nhuận của ngân hàng, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đánh giá việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn đáng lo ngại. Theo đó, cơ quan thẩm tra, đề nghị Chính phủ có báo cáo cụ thể những khó khăn về hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ, quy trình, thủ tục, nhất là trong bối cảnh Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Về vấn đề cơ cấu ngân hàng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ đã hoàn thành định giá 3 ngân hàng được chuyển giao bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5. Việc này cũng sẽ hoàn thành trong năm nay.

Trong 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt, ngoại trừ Ngân hàng Đông Á (DongABank), 3 ngân hàng Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank) sẽ được chuyển giao cho nhà băng khác theo hình thức mua bắt buộc.