Vấn nạn "nợ" sổ hồng: Người dân phải “ở trọ” trong chính căn nhà của mình

Hình ảnh căng băng rôn “đòi” sổ hồng tại các chung cư không còn là chuyện xa lạ. Khách hàng bức xúc vì đã bỏ tiền tỉ mua căn hộ nhưng sau hàng chục năm vẫn không có chủ quyền. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu đến từ chủ đầu tư nhưng một phần cũng đến từ sự chủ quan của người mua nhà.

Dù đã được bàn giao nhà và sinh sống ở chung cư 4S Linh Đông (TP Thủ Đức) vẫn luôn sống trong sự thấp thỏm vì chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng).

Ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng – trưởng Ban Quản trị chung cư 4S Linh Đông, 1 năm trước Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. HCM có kế hoạch cấp sổ hồng cho hơn 81.000 căn hộ chung cư tại hàng trăm dự án trên địa bàn nhưng lại không có khu chung cư này.

Chung cư 4S Linh Đông không phải trường hợp cá biệt, cư dân chung cư Diamond Riverside (quận 8) cũng mòn mỏi đợi cấp sổ hồng dù đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định đối với chủ đầu tư; tại chung cư Saigon Gateway (TP Thủ Đức), 900 căn hộ vẫn chưa được cấp sổ hồng.

chung-cu-1-1725695233.jpg
Cư dân chung cư 4S Linh Đông căng băng rôn "đòi" sổ hồng chủ đầu tư

Tương tự, hơn 1.300 căn hộ tại chung cư Lexington Residence (đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức) đã cho cư dân vào ở từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn sống trong những căn hộ không có giấy tờ, cư dân chung cư này đã khởi kiện Văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM ra tòa nhưng bi bác đơn vì chưa hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính với toàn bộ đất dự án.

Cư dân chung cư The Harmona (phương 14, quận Tân Bình) cũng phải gửi đơn cầu cứu khắp nơi nhưng vẫn chưa được cấp sổ hổng. Theo đó, chung cư có 582 căn hộ, được đưa vào sử dụng năm 2014. Từ năm 2018 đến nay, cơ qun chức năng đã cấp sổ cho 321 căn hộ, số còn lại vẫn chưa được cấp. Nguyên nhân được xác định do vướng nghĩa vụ tài chính nhưng vẫn chưa thuê được đơn vị định giá đất.

Đây chỉ là một trong số hơn 300 chung cư toàn quốc đang tồn tại xung đột. Thống kê của Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cho thấy, ở Việt Nam cứ 10 chung cư lại có 1 chung chư xảy ra tranh chấp, trong đó mâu thuẫn chậm trả sổ hồng là phổ biến.

Tại Hà Nội, trong “cao điểm” xung đột chung cư hồi cuối năm 2020, Thanh tra Bộ Xây dựng phải thanh tra 22 "điểm nóng" như Hinode City 201 đường Minh Khai; khu HH02 khu đô thị Dương Nội, Hà Đông; Riverside Garden tại số 349 Vũ Tông Phan; Hateco Hoàng Mai...

Nhiều người sống tại các chung cư này đã phải bán căn hộ với giá rẻ, chuyển đi nơi khác vì không biết bị “ngâm” sổ hồng đến bao giờ. Người ở lại thì bày tỏ sự mệt mỏi khi phải chờ đợi, khiếu kiện căng thẳng, thấp thỏm như “đi ở nhờ”.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ chủ đầu tư

Theo ông Lê Thanh Hoàn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc chậm trễ trả sổ hồng cho cư dân phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó nguyên nhân "hầu hết xuất phát từ phía chủ đầu tư". Đơn cử, có dự án bàn giao cho người dân đến khi hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để cấp sổ mới phát hiện chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất; chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy; xây không đúng thiết kế, kết cấu…

Đồng tình, Chánh Thanh tra TP. HCM Trần Văn Bảy nhận định, việc chậm cấp sổ hồng cho các dự án nhà ở là do liên quan đến nguồn gốc pháp lý đất đai, dẫn đến không thẩm định bế tắc. Hiện, TP. HCM vẫn có gần 60.000 căn hộ, căn nhà chưa được cấp sổ đỏ.

chung-cu-2-1725695344.jpg
Nguyên nhân dẫn đến việc chậm sổ hồng của cư dân chủ yếu đến từ chủ đầu tư

Theo đó, ông Bảy đề nghị các phòng nghiệp vụ của Sở TN&MT tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Hiện các dự án đã triển khai, doanh nghiệp khó khăn, người dân không được cấp sổ hồng bức xúc. Theo đó, những vấn đề khó, cấp bách cần chủ động triển khai từng bước, tháo gỡ cho các dự án trong thời gian tới.

Nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Phùng Huyền – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+ cho rằng, trong quá trình tham gia xử lý nhiều vụ tranh chấp liên quan đến các dự án bất động sản cho thấy, nhiều người dân thường chủ quan, không quan tâm đến tầm quan trọng vấn đề pháp lý của giao dịch, vì thế đã bỏ qua việc xem xét kỹ càng tính pháp lý của dự án dẫn đến việc tiền đã thanh toán nhưng mãi vẫn chưa có nhà hoặc có nhà nhưng chưa có sổ.

Do đó, luật sư Huyền lưu ý người dân 2 vấn đề khi mua nhà chung cư. Cụ thể, trước khi mua, người mua cần chủ động tìm hiểu kỹ thông tin dự án, hồ sơ pháp lý được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sở Xây dựng nơi có dự án. Tiếp đó, cẩn trọng và kiểm tra kỹ các thỏa thuận trong hợp đồng và các văn bản đính kèm hợp đồng để hiểu rõ các rủi ro có thể xảy ra.