Vi phạm quy định đấu giá đất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, người tham gia đấu giá, trúng đấu giá có hành vi vi phạm luật sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ.

Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại kỳ họp thứ 7. Theo đó, một trong những nội dung đáng chú ý là quy định về xử lý vi phạm với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan.

Theo luật mới, người tham gia đấu giá, trúng đấu giá có hành vi vi phạm các quy định của luật này sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ theo tính chất, mức độ. Trong trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định. 

Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoảng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến huỷ kết quả, bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm.

dau-gia-dat-1719568152.jpeg
Nhiều sự việc bỏ cọc đấu giá đất đã gây nhiều hệ luỵ, tiền lệ xấu, méo mó thị trường bất động sản

Về tiền đặt trước, Luật mới quy định tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.

Thời gian qua, tại nhiều địa phương xuất hiện nhiều trường hợp cá nhân, doanh nghiệp trúng đấu giá với giá cao sau đó bỏ cọc đã gây ra những hệ luỵ tiêu cực với thị trường.

Tại tỉnh Bắc Giang, trong 10 tháng đầu năm 2023 đã tổ chức 92 phiên đấu giá đất với tổng số 2.969 lô, tổng số tiền thu được đạt 3.870 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số này có 90 lô trúng đấu giá dù đến hạn nhưng khách hàng đã bỏ cọc, số tiền bỏ cọc gần 10 tỷ đồng. 

Trước đó, trong hai năm (2020 - 2021), tỉnh Bắc Giang cũng tổ chức 161 cuộc đấu giá tài sản quyền sử dụng đất ở với 9.191 lô. Trong đó số lô đấu giá thành công là 7.720, số lô bỏ cọc là 1.471. Hay tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội), trong năm 2023, đơn vị này đã huỷ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất với 19 trường hợp, số tiền tương ứng là 25,52 tỷ đồng. Hồi đầu năm 2022, huyện này cũng phải huỷ bỏ kết quả đấu giá gần 20 thửa, số tiền nhà đầu tư bỏ cọc khoảng 60 tỷ đồng.

dau-gia-dat-1-1719568256.jpg
Luật Đấu giá tài sản sửa đổi được kỳ vọng có thể ngăn chặn tình trạng bỏ cọc, thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi

Theo Luật sư Hà An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc đấu giá đất với giá cao rồi bỏ cọc sẽ tạo ra sự mất lòng tin của cộng đồng vào quá trình đấu giá và hệ thống quản lý tài sản công cộng. Ngoài ra, việc này cũng gây rất nhiều khó khăn cho các địa phương và cơ quan chức năng trong việc tổ chức bán đấu giá. Làm mất thời gian, công sức của đơn vị quản lý, tổ chức và ảnh hưởng đến cá nhân có nhu cầu thực sự. Với nhà nước, ảnh hưởng xấy tới công tác quản lý, thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai và đầu tư. 

Ông An cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần rà soát những vị đấu giá bất thường. Có thể công khai dữ liệu đất đai, từng thửa đất được định danh với đầy đủ tình trạng pháp lý, giá đất trúng đấu giá, giá đất khu vực.

Bên cạnh đó, để lành mạnh hoá và đạt tối ưu trong đấu giá đất đai, Bộ Xây dựng cần tiếp tục rà soát các dự án kinh doanh bất động sản, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm điều tiết thị trường phát triển ổn định. Các cơ quan cũng cần tăng cường việc thanh tra, kiểm tra hoạt động đấu giá, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, có yếu tố trục lợi trong đấu giá đất.

Với những quy định tại Luật Đấu giá tài sản sửa đổi lần này được xem là một giải pháp kịp thời và kỳ vọng sẽ ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá đất và bỏ cọc.