Thuật toán TikTok là tài sản lớn nhất của ByteDance
Các nguồn tin cho biết, chủ sở hữu TikTok, ByteDance có thể đóng cửa ứng dụng của mình chứ không chịu bán đi cho các chủ sở hữu khác ngoài Trung Quốc. Hiện, công ty vẫn đang nỗ lực thực hiện các hành động pháp lý để chống lại luật, ép công ty thoái vốn khỏi ứng dụng nếu không muốn TikTok bị cấm tại Mỹ.
Nguyên nhân chủ yếu được xác định là bởi tính quan trọng của các thuật toán mà TikTok dựa vào để vận hành. Chúng được coi là cốt lõi đối với các hoạt động tổng thể của ByteDance.
Thực tế, TikTok chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu và số người dùng hoạt động hàng ngày của ByteDance, vì vậy công ty mẹ thà đóng cửa ứng dụng này ở Mỹ trong trường hợp xấu nhất còn hơn là bán nó cho một người mua tiềm năng ở Mỹ.
Việc ngừng hoạt động sẽ có tác động hạn chế đến hoạt động kinh doanh của ByteDance nhưng công ty sẽ không phải từ bỏ thuật toán cốt lõi của mình.
Về phần mình, ByteDance cho biết trong một tuyên bố đăng trên Toutiao - một nền tảng truyền thông mà họ sở hữu, rằng họ không có kế hoạch bán TikTok. Giám đốc điều hành của TikTok, Shou Zi Chew, cho biết hôm thứ Tư rằng công ty truyền thông mạng xã hội này hy vọng sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý chống lại lệnh cấm vừa được ban hành tại Mỹ.
ByteDance không tiết lộ công khai hiệu quả tài chính hoặc chi tiết tài chính của bất kỳ đơn vị nào trực thuộc. Các nguồn tin riêng biệt cho biết, công ty tiếp tục kiếm phần lớn tiền ở Trung Quốc, chủ yếu từ các ứng dụng khác như Douyin, ứng dụng tương đương với TikTok của Trung Quốc.
Doanh thu năm 2023 của ByteDance đã tăng lên gần 120 tỷ USD vào năm 2023, tăng mạnh so với mức 80 tỷ USD vào năm 2022. Trong khi đó, doanh thu tại Mỹ chỉ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của TikTok vào năm ngoái.
Số người dùng hoạt động hàng ngày (DAU) của TikTok ở Mỹ cũng chỉ bằng khoảng 5% DAU của ByteDance trên toàn thế giới.
TikTok chia sẻ các thuật toán cốt lõi tương tự với các ứng dụng nội địa của ByteDance như nền tảng video ngắn Douyin. Theo đánh giá của các chuyên gia thì thuật toán của TikTok vẫn tốt hơn so với các đối thủ của ByteDance như Tencent và Xiaohongshu.
Bên cạnh đó, sẽ không thể loại bỏ TikTok khỏi các thuật toán của nó vì bản quyền sở hữu trí tuệ được đăng ký theo ByteDance ở Trung Quốc và do đó khó tách khỏi công ty mẹ. ByteDance cũng sẽ không đồng ý bán một trong những tài sản có giá trị nhất của mình là thuật toán TikTok cho các đối thủ nước ngoài.
Chính phủ Trung Quốc cũng kiên quyết phản đối việc ép bán TikTok. Theo người phát ngôn của Bộ Thương mại nước này, việc bán hoặc thoái vốn TikTok liên quan đến xuất khẩu công nghệ và phải thông qua thủ tục hành chính phù hợp với luật pháp và quy định của Trung Quốc.
Trước đó, năm 2020, Trung Quốc đã công bố Luật Kiểm soát Xuất khẩu và văn bản cuối cùng đã mở rộng định nghĩa về “các mặt hàng bị kiểm soát”. Việc sửa đổi đảm bảo rằng việc xuất khẩu thuật toán, mã nguồn và dữ liệu tương tự phải tuân theo quy trình phê duyệt.
Nếu không tính các thuật toán thì tài sản chính của TikTok bao gồm dữ liệu người dùng và quản lý sản phẩm.
Thuật toán của TikTok giá trị thế nào?
Trước khi TikTok xuất hiện, nhiều người đã tin rằng công nghệ kết nối kết nối người dùng là bí quyết tạo nên một ứng dụng mạng xã hội thành công. Tuy nhiên, TikTok đã cho thấy rằng một thuật toán, được thúc đẩy bởi sự hiểu biết về sở thích của người dùng sẽ là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự thành công của một mạng xã hội. Thay vì xây dựng thuật toán dựa trên “biểu đồ xã hội” như Meta đã làm, các giám đốc điều hành của TikTok bao gồm cả CEO Shou Zi Chew đã nói rằng thuật toán của họ dựa trên “tín hiệu quan tâm”.
Catalina Goanta, phó giáo sư tại Đại học Utrecht cho biết, trong khi các đối thủ có các thuật toán dựa trên sở thích tương tự, TikTok có thể tăng cường hiệu quả của thuật toán với định dạng video ngắn.
Cô nói: “Hệ thống đề xuất của họ rất phổ biến. Nhưng điều thực sự khiến TikTok trở thành một ứng dụng khác biệt là thiết kế và nội dung”.
Định dạng video ngắn cho phép thuật toán của TikTok trở nên năng động hơn nhiều và thậm chí có khả năng theo dõi những thay đổi về sở thích và mối quan tâm của người dùng theo thời gian, chi tiết như những gì người dùng có thể thích trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Ngoài ra, định dạng video ngắn cho phép TikTok tìm hiểu sở thích của người dùng với tốc độ nhanh hơn nhiều.
Jason Fung, cựu Giám đốc bộ phận trò chơi của TikTok cho biết: "Bởi vì ở định dạng vừa phải, là một video ngắn nên bạn có thể thu thập dữ liệu về sở thích của người dùng nhanh hơn rất nhiều so với YouTube, nơi mà một video trung bình có thể chỉ dài dưới 10 phút. Hãy tưởng tượng bạn đang thu thập dữ liệu về một người dùng trung bình cứ sau 10 phút so với cứ sau vài giây sẽ thấy sự khác biệt rất nhiều”.
Việc định vị TikTok là một ứng dụng được xây dựng cho thiết bị di động ngay từ đầu cũng mang lại lợi thế cho nó so với các nền tảng đối thủ vốn phải điều chỉnh giao diện từ màn hình máy tính.
TikTok sớm tham gia vào thị trường video ngắn cũng mang lại cho công ty lợi thế đi đầu rất lớn. Instagram đã không ra mắt Reels cho đến năm 2020 trong khi YouTube ra mắt Shorts vào năm 2021, cả hai đều kém TikTok về kinh nghiệm phát triển sản phẩm và dữ liệu nhiều năm.
TikTok cũng thường xuyên đề xuất những nội dung không phù hợp với sở thích của người dùng, điều mà ban lãnh đạo công ty nhiều lần cho rằng là cần thiết đối với trải nghiệm người dùng của TikTok.
Một nghiên cứu được các nhà nghiên cứu từ Mỹ và Đức công bố vào tháng trước cho thấy thuật toán của TikTok “khai thác sở thích của người dùng trong 30% đến 50% video đề xuất” sau khi kiểm tra dữ liệu từ 347 người dùng TikTok và 5 bot tự động.
Các nhà nghiên cứu viết: “Phát hiện này chỉ ra rằng thuật toán TikTok chọn đề xuất một số lượng lớn video khám phá nhằm cố gắng suy luận tốt hơn sở thích của người dùng hoặc tối đa hóa khả năng giữ chân người dùng bằng cách đề xuất nhiều video nằm ngoài sở thích (đã biết) của người dùng”.
Ari Lightman, giáo sư tại Đại học Carnegie Mellon, cho biết một chiến thuật hiệu quả khác mà TikTok đã sử dụng là khuyến khích người dùng thành lập nhóm công khai thông qua hashtag. Ông nói, bằng cách khuyến khích người dùng thành lập các nhóm công khai, TikTok có thể tìm hiểu hiệu quả hơn về hành vi, sở thích, sự liên kết và hệ tư tưởng của người dùng.
Theo giáo sư Lightman, nếu TikTok bị cấm ở Mỹ, khả năng các “gã khổng lồ công nghệ” nước này sẽ tìm cách “sao chép” TikTok bằng các sản phẩm của riêng họ, nhưng việc tái tạo văn hóa người dùng do TikTok hỗ trợ vẫn sẽ là một thử thách lớn đối với họ.
Thuật toán đề xuất của TikTok phần lớn được lấy từ ứng dụng “anh em” Douyin tại Trung Quốc, được phát hành vào năm 2016. Mặc dù ByteDance thường nhấn mạnh rằng TikTok và Douyin là những ứng dụng riêng biệt nhưng một nguồn hiểu biết trực tiếp về vấn đề này cho biết hai thuật toán của hai nền tảng này vẫn giống nhau cho đến hiện tại.
AI của Douyin đã được tăng cường nhờ khả năng tận dụng chi phí lao động thấp ở Trung Quốc để thuê nhiều người gắn thẻ nội dung cho các bài viết được đăng tải trên nền tảng để tạo trend.
Yikai Li, quản lý của công ty quảng cáo Nativex và là cựu giám đốc của ByteDance cho biết: "Vào khoảng năm 2018 và 2019, Douyin đã nỗ lực gắn thẻ cho mọi người dùng. Vì vậy, họ sẽ gắn thẻ mọi video clip theo cách thủ công. Họ sẽ gắn thẻ người dùng dựa trên video mà họ đã xem. Sau đó, họ cũng áp dụng chiến thuật này trên TikTok."