Vì sao TP. HCM thay đổi phương án thiết kế cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4?

Mới đây, phương án thiết kế của cầu Cần Giờ vượt sông Soài Rạp và cầu Thủ Thiêm 4 vượt sông Sài Gòn (TP. HCM) đã được điều chỉnh. Hai cây cầu này dự kiến sẽ khởi công trong năm 2025 với tổng vốn đầu tư ước tính 16.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo về tình hình thực hiện các dự án cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, đường Vành đai 4 TP. HCM, Sở GTVT TP. HCM đã đề cập đến việc thay đổi thiết kế của 2 cây cầu này. Cụ thể cầu Cần Giờ sẽ thay đổi từ cầu dây văng 1 trụ tháp sang 2 trụ tháp, trong khi đó, cầu Thủ Thiêm 4 ban đầu có tĩnh không 10m sẽ thay đổi thành có thể nâng hạ chiều cao mặt cầu từ 15m đến 45m.

Cầu Cần Giờ

Cầu Cần Giờ vượt sông Soài Rạp nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ (TP. HCM) được tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc vào năm 2018. Năm 2019 phương án thiết kế được UBND TP. HCM chính thức phê duyệt. Thời điểm đó, cây cầu được lấy ý tưởng phác họa từ cây đước – loại cây đặc trưng của huyện Cần Giờ với kết cấu nhịp chính là cầu dây văng 1 trụ. Trụ tháp có chiều cao 230m tính từ bệ trụ và chiều dài nhịp chính 350m.

cau-can-gio-1719475831.jpg
Thiết kế cầu Cần Giờ được thông qua năm 2019 là cầu dây văng 1 trụ tháp

Sở GTVT TP. HCM thông tin, quá trình nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho thấy phương án kiến trúc này tồn tại một số vấn đề kinh tế kỹ thuật, chi phí xây dựng, mức đầu tư cao.

Trước thực trạng này, cầu Cần Giờ được đề xuất giữ nguyên ý tưởng trụ tháp hình cây đước nhưng kết cấu nhịp chính thành 2 trụ tháp. Cụ thể nhịp chính của cầu ở giữa lòng sông dài 350m được đặt trên 2 trụ tháp cao 150m, giảm 80m so với thiết kế ban đầu.

Thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu vẫn giữ nguyên với 55m tương đương cầu Bình Khánh (thuộc dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành) hiện đang cao nhất tại nước ta.

Đề xuất thay đổi phương án kiến trúc đã được Thường trực Thành ủy TP. HCM thống nhất chủ trương với phương án đổi từ cầu dây văng 1 trụ tháp sang cầu dây văng 2 trụ tháp.

Ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP. HCM đã giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc khẩn trương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu, đề xuất thành phố điều chỉnh phương án kiến trúc cây cầu này và phải hoàn thành trong tháng 6/2024.

cau-can-gio-1719475649.png
Thiết kế được thay đổi từ 1 trụ tháp sang 2 trụ tháp

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, cầu Cần Giờ có quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài 7,3km. Trong đó, phần cầu chính dài gần 3km và phần đường dẫn 2 đầu dài hơn 4,3km. Cây cầu được đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BOT với tổng vốn hơn 11.000 tỷ đồng (thành phố dự kiến chi số vốn 5.246 tỷ đồng, phần còn lại do nhà đầu tư thu xếp).

Dự kiến trong năm nay, cầu Cần Giờ sẽ được trình HĐND TP. HCM thông qua chủ trương đầu tư, đến 30/4/2025 sẽ chính thức khởi công và tới năm 2028 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Cầu Cần Giờ khi đi vào hoạt động sẽ thay thế bến phà Bình Khánh đang vận hành nhiều năm qua, giúp kết nối huyện đảo duy nhất của TP. HCM với khu vực trung tâm, giúp người dân thoát cảnh “qua sông lụy phà”. Bên cạnh việc kết nối giao thông, cây cầu này còn góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy các dự án khu lấn biển, cảng Quốc tế Cần Giờ.

Cầu Thủ Thiêm 4

Cầu Thủ Thiêm 4 dài hơn 2km vượt sông Sài Gòn kết nối Khu đô thị Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) với Q. 7 (TP. HCM). Cầu có phần chính dài 1,6km, 6 làn xe gồm 4 làn cơ giới và 2 làn thô sơ, vận tốc thiết kế 60km/h.

cau-thu-thiem-4-1-1719475632.jpg
Thiết kế cũ cầu Thủ Thiêm với chiều cao tĩnh không thông thuyền 10m

Theo quy hoạch cũ, cây cầu này có tĩnh không thông thuyền 10m. Với chiều cao tĩnh không này, nhiều ý kiến cho rằng nó quá thấp sẽ cản trở tàu thuyên qua lại và kìm hãm sự phát triển của giao thông, du lịch. Hiện nay, cảng Sài Gòn ở Q. 4 đang tiếp nhận tàu biển lớn chở khách du lịch, phương án thiết kế này sẽ kiến cảng mất đi lợi thế.

Hiện cây cầu đang được Sở GTVT TP. HCM đề xuất phương án thiết kế có tĩnh không khai thác bình thường 15m nhưng nhịp chính có thể nâng lên 45m thông qua 2 trụ tháp cùng hệ thống nâng. Sở GTVT thành phố nhận định đây là dạng thiết kế chưa từng có ở Việt Nam, giúp tàu lớn dễ dàng chạy trên sông Sài Gòn vào trung tâm.

cau-thu-thiem-4-2-1719476010.jpg
Với phương án thiết kế mới, cầu Thủ Thiêm 4 có thể nâng tĩnh không lên 45m cho tàu lớn đi qua

Để có cơ sở xác định tĩnh không thông thuyền, phương án kết cấu nhịp cầu, Sở GTVT thành phố kiến nghị UBND thành phố giao sở Quy hoạch – Kiến trúc có ý kiến thỏa thuận quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. HCM để Sở tổng hợp, gửi báo cáo cho Cục đường sắt Việt Nam.

Theo báo cáo tác động môi trường, cầu Thủ Thiêm 4 có tổng mức đầu tư 6.030 tỷ đồng bao gồm cả lãi vay. Trong đó, khoảng 2.826 tỷ đồng là vốn chi của thành phố tương đương 50% tổng mức đầu tư, phần còn lại nhà đầu tư tự huy động. Dự án triển khai theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng BOT.

Nếu được HĐND TP. HCM thông qua chủ trương đầu tư trong năm nay, cây cầu này sẽ khởi công vào 30/4/2025 và tới năm 2028 hoàn thiện.