Vì sao tỷ lệ đột quỵ Việt Nam dẫn đầu thế giới?

Các chuyên gia cho rằng sự chủ quan, không kiểm soát các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, thói quen ăn mặn khiến số ca đột quỵ Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Trên bình diện chung hiện nay, tử vong do nguyên nhân bệnh tim mạch đứng thứ nhất toàn cầu. Tuy nhiên, ở khoảng 40% quốc gia, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc, nguyên nhân tử vong do đột quỵ vượt lên đứng đầu, cao hơn tim mạch.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm màu đỏ đậm nhất - tức nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất, tỷ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân. Theo tỷ lệ này, với dân số 100 triệu, số ca đột quỵ tại Việt Nam khoảng trên 200.000 mỗi năm.

Bản đồ tỷ lệ đột quỵ ước tính trên 100.000 dân của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam nằm trong số những nước có màu đỏ đậm nhất. Ảnh:Lancet

Bản đồ tỷ lệ đột quỵ ước tính trên 100.000 dân của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam nằm trong số những nước có màu đỏ đậm nhất. Ảnh:Lancet

Đột quỵ và nhồi máu cơ tim là hai biến chứng thường gặp nhất của tăng huyết áp. Theo bác sĩ Thắng, lý do quan trọng nhất khiến đột quỵ Việt Nam dẫn đầu toàn cầu là phần lớn bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, song việc tuân thủ điều trị dự phòng ở người Việt còn rất hạn chế. Nhóm có nguy cơ mắc đột quỵ là người bệnh tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường, rung nhĩ... song "đáng báo động" là họ chưa kiểm soát tốt bệnh.

Cùng quan điểm này, Ths.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho rằng nhóm nguy cơ đột quỵ có xu hướng tăng nhanh vì sự thay đổi về chế độ dinh dưỡng cũng như lối sống, độ tuổi. Điều nguy hiểm là những bệnh nền như trên diễn tiến thầm lặng, biểu hiện rất mơ hồ, đa số bệnh nhân cảm thấy khỏe mạnh nên chủ quan, không duy trì điều trị. Trong khi đó, bệnh đòi hỏi phải dùng thuốc kiểm soát lâu dài, hầu như phải điều trị suốt đời.

Nhiều người dùng thuốc một thời gian thấy huyết áp, đường huyết, mỡ máu ổn định là tự ý dừng thuốc. Không ít trường hợp tự mua thuốc theo toa cũ mà không tái khám định kỳ để điều chỉnh thuốc phù hợp. Thậm chí, có người chỉ uống vài loại thuốc trong đơn thuốc của bác sĩ cho, ảnh hưởng hiệu quả điều trị.

Nhận thức của nhiều người Việt về nguy cơ đột quỵ vẫn chưa cao. Đa số bệnh nhân đột quỵ cho biết không nghĩ nguyên nhân do không kiểm soát các bệnh nền, theo các bác sĩ. Họ không tuân thủ dùng thuốc, không đo huyết áp tại nhà hàng ngày, không biết huyết áp cần đạt được là bao nhiêu, vẫn hút thuốc lá, dùng thực phẩm không tốt cho người mắc bệnh này.

Một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 cách đây không lâu cho thấy chỉ vài phần trăm bệnh nhân rung nhĩ duy trì dùng thuốc kháng đông. Trong đột quỵ, tăng huyết áp được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu, còn rung nhĩ chỉ chiếm khoảng 10% nhưng đặc biệt nguy hiểm vì để lại hậu quả nặng nề. Khoảng 75% bệnh nhân đột quỵ do rung nhĩ sẽ tàn phế nặng hoặc tử vong, bởi tình trạng này gây huyết khối kích thước lớn, dẫn đến tắc mạch máu lớn, làm tế bào não bị chết nhiều.

Một nguyên nhân nữa khiến việc điều trị dự phòng đột quỵ Việt Nam còn hạn chế là hệ thống y tế chưa thể đáp ứng được việc chăm sóc toàn diện cho người bệnh. "Điều này dẫn đến số lượng người mắc sẽ tăng cao trong thời gian tới", bác sĩ Nghĩa dự đoán.

Phó giáo sư Thắng cho rằng đôi khi bác sĩ điều trị bệnh nền chỉ kê thuốc giúp giảm tình trạng bệnh mà chưa nhắm mục tiêu cần đạt. Chẳng hạn, bệnh nhân tăng huyết áp lên 160-170, bác sĩ chỉ điều trị đưa xuống 140-150 mà chưa đặt ra mục cụ thể để giúp ngừa đột quỵ. Tùy từng trường hợp cụ thể của mỗi bệnh nhân, huyết áp cần đạt dưới 130/80 hay 140/90 mmHg.

Ngoài ra, yếu tố khác làm gia tăng tỷ lệ mắc đột quỵ là việc tầm soát vẫn chưa đạt hiệu quả trên quy mô cả nước, theo bác sĩ Nghĩa. Nhiều người chưa hiểu tầm soát hay phòng ngừa đột quỵ chính là tầm soát các bệnh nguy cơ cao của đột quỵ. Không ít người cho rằng việc chụp cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính sọ não bình thường, thì không thể mắc đột quỵ.

Phòng ngừa đột quỵ phụ thuộc rất nhiều vào ý thức cộng đồng, bởi không chỉ cần tuân thủ điều trị mà còn nằm ở việc phát hiện mới. Các bệnh gây nguy cơ đột quỵ thường biểu hiện thầm lặng, nhiều người dân chưa có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh nền. Không ít trường hợp vào viện vì đột quỵ, đo huyết áp mới phát hiện bản thân mắc bệnh tăng huyết từ lâu mà không hay biết.

Các chuyên gia cho rằng một trong những vấn đề đáng lo ngại là thói quen ăn mặn của người Việt. Nhiều người có thói quen dùng bữa luôn kèm nước mắm chấm, thậm chí thức ăn ngọt như dưa hấu, trái cây cũng chấm muối, ly nước dừa cũng kèm một xíu muối... Thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn là những nguồn thực phẩm chứa nhiều muối và natri, cũng đang gia tăng tại Việt Nam.

Ăn mặn khiến cho tình trạng của người bệnh tăng huyết áp thêm khó kiểm soát. Quá trình cấp cứu, điều trị và quản lý người bệnh đột quỵ có tăng huyết áp, bác sĩ nhận thấy nhiều người bệnh khó bỏ thói quen ăn mặn.

Theo giám sát mức tiêu thụ natri trong cộng đồng năm 2015 và năm 2021, do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều tra quốc gia, sau 5 năm, mức độ tiêu thụ natri của người dân Việt Nam giảm từ 3.760 mg/người/ngày xuống 3.360 mg/người/ngày (tương ứng với 9,4 g và 8,4 g muối). Song, WHO khuyến cáo mỗi ngày người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 2.000 mg natri, tức 5 g muối. Như vậy, người Việt vẫn ăn mặn ở mức cao so với khuyến cáo.

Ngoài ra, yếu tố khách quan góp phần khiến tỷ lệ đột quỵ ở Việt Nam cao là nhiều nghiên cứu cho thấy người dân ở các nước châu Á, đặc biệt khu vực Đông Á và Đông Nam Á có xu hướng mắc các bệnh lý vữa xơ mạch máu não nhiều hơn. Tình trạng này nếu không được điều trị, theo thời gian sẽ gây đột quỵ.

Bệnh nhân điều trị tại Đơn vị Đột Quỵ não một bệnh viện ở Việt Nam. Ảnh: Ngọc Thành

Bệnh nhân điều trị tại Đơn vị Đột Quỵ não một bệnh viện ở Việt Nam. Ảnh: Ngọc Thành

Với bệnh nhân từng đột quỵ, việc điều trị phòng ngừa tái phát càng phải gắt gao hơn, bởi tỷ lệ tái phát thường rất cao. Tùy vào từng nghiên cứu và khoảng thời gian theo dõi, con số này có thể đến 50-70%. Khi đột quỵ tái phát, cơ hội điều trị không thể cao như lần đầu. Do đó, người bệnh sau đột quỵ cần gắn kết với bác sĩ để có chiến lược phòng ngừa phù hợp cho từng trường hợp. Tuy nhiên, vấn đề tuân thủ điều trị của bệnh nhân Việt Nam sau đột quỵ thường rất kém.

"Ở nhiều nước phát triển, ý thức người dân tốt, việc kiểm soát yếu tố nguy cơ rất chặt chẽ nên tỷ lệ đột quỵ thấp hơn các nước đang và kém phát triển", phó giáo sư Thắng nói.

Chuyên gia cho rằng việc tìm ra giải pháp nhằm giảm tỷ lệ mắc đột quỵ hiện là vấn đề thách thức với Việt Nam. Quan trọng nhất là cần nâng cao hiểu biết để người dân có ý thức phòng ngừa đột quỵ.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người cần khám sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện những thủ phạm chính gây đột quỵ nói chung như tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ... cần dùng thuốc kiểm soát lâu dài. Không tự ý ngưng thuốc khi thấy sức khỏe ổn hoặc tự mua thuốc theo đơn cũ. Tránh những yếu tố gây nguy cơ đột quỵ bằng cách ngưng hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, kiểm soát cân nặng, dinh dưỡng hợp lý, vận động thể lực đều đặn.

Theo VnExpress