Dẫn ví dụ cụ thể cho nhận định này, ông Ben Gray – Giám đốc thị trường vốn tại Knight Frank Việt Nam cho biết, trước dịch Covid-19, Việt Nam có khoảng 18 triệu du khách quốc tế, sau dịch vào năm 2023, con số này giảm còn 12,6 triệu lượt. Giả sử, 30% số khách lưu trú tại các khách sạn, resort hạng sang và đi theo cặp, thuê phòng đôi trong 7 đêm thì cũng chỉ lấp đầy khoảng 1/3 số lượng phòng khách sạn 4-5 sao hiện có.
Ông Ben Gray nhận định, nguy cơ thừa nguồn cung đang xuất hiện đồng thời với thực trạng tỷ lệ lấp đầy phòng ngủ thấp như ở Phú Quốc hay rầm rộ xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở những điểm du lịch nổi tiếng như vịnh Hạ Long.
“Những địa điểm này đã xuất hiện tình trạng phát triển dự án thiếu kiểm soát. Trong khi cơ sở hạ tầng ngành du lịch cũng như dự án lại gặp phải cảnh cung vượt quá cầu, nhất là trong bối cảnh lượng du khách Nga, Trung Quốc vốn được xem là thị trường chính,đến Việt Nam đang phục hồi chậm”, ông Ben Gray phân tích.
Đồng quan điểm, tại một hội nghị liên quan đến việc tái tạo lại thị trường bất động sản, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á cũng cho rằng, Việt Nam đang dư thừa nguồn cung phòng lưu trú phục vụ du lịch.
Cụ thể, nguồn cung khách sạn biển chủ yếu tập trung tại các thành phố Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hạ Long và Hội An – Quảng Nam, tương đương khoảng 54% tổng nguồn cung mới trên cả nước. Tính trung bình, nguồn cung phòng khách sạn tại các điểm đến ven biển tăng 16%/năm, cao gần gấp ba so với mức 6% của TP. HCM và Hà Nội.
Đặc biệt, ông Mauro Gasparotti cho biết, hiện còn có một lượng không nhỏ các bất động sản nghỉ dưỡng đang trong giai đoạn phát triển, chưa đi vào hoạt động. Nếu tất cả bất động sản này đi vào vận hành thì tổng nguồn cung phòng lưu trú phục vụ du lịch sẽ lớn hơn rất nhiều, khó có thể lấp đầy. Đáng chú ý, nhiều dự án chỉ chú trọng số lượng hơn chất lượng, thiếu cân nhắc đến đặc điểm thị trường, xu hướng, không đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách.
Theo ông Ben Gray, việc hồi phục phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng không thể một sớm, một chiều. Số liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đón gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 68,3% so với cùng kỳ, mục tiêu năm 2024 là đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế.
Bên cạnh khách quốc tế, khách nội địa cũng là nguồn đáng kể để tiêu thụ lượng phòng cho khách sạn 4-5 sao ven biển. Theo thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2024 có 40,5 triệu lượt khách trong nước với riêng 8 triệu lượt người đi nghỉ mát dịp 30/4-1/5 vừa qua.
Mặc dù ngành du lịch Việt Nam cũng đã có rất nhiều nỗ lực và đạt được tín hiệu khả quan, nhưng áp lực cạnh tranh từ các thị trường lân cận như Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia là rất lớn, khó có thể gia tăng nguồn cầu. Nhất là trong bối cảnh giá vé máy bay nội địa thì tăng cao nhưng hàng không quốc tế (đặc biệt là các quốc gia châu Á) lại đồng loạt tung vé rẻ.
Nhận định bất động sản nghỉ dưỡng năm 2024 vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh ảm đạm nhưng ông Ben Gray vẫn bày tỏ sự lạc quan về các sản phẩm lưu trú du lịch. Cụ thể, những khách sạn, khu nghỉ dưỡng hạng sang ở vị trí đắc địa có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư quốc tế. Những cơ sở này vẫn đạt được doanh thu khả quan, giá thuê phòng trung bình một ngày cao hơn giai đoạn trước dịch, đem lại cơ hội kinh doanh tiềm năng.