Quét mã QR trả tiền cho người bán rau tại chợ Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội), chị Vũ Hồng Huệ cho biết, lâu rồi chị không phải mang theo tiền mặt đi chợ. Giờ người bán nào cũng có tài khoản ngân hàng, chị mua hàng chỉ cần chuyển khoản là xong, mớ rau 5.000 đồng cũng chuyển khoản được. Chị thấy hình thức thanh toán này rất tiện, còn tránh được việc không may rơi mất tiền mặt.
Thanh toán bằng chuyển khoản ngân hàng hay ví điện tử ngày càng phổ biến không chỉ tại các đô thị lớn của nước ta mà còn ở nhiều vùng quê. Theo thống kê của FiinGroup (công ty chuyên lĩnh vực cung cấp dịch vụ tích hợp về dữ liệu tài chính, thông tin kinh doanh, nghiên cứu ngành và các dịch vụ khác), cuối năm 2023, Việt Nam có 36 triệu ví điện tử hoạt động. Dự báo đến cuối năm 2024, lượng ví điện tử ở nước ta sẽ đạt con số 50 triệu.
Theo Luật Ngân hàng Nhà nước 2010, ví điện tử là một trong các dịch vụ trung gian thanh toán. Ví điện tử có thể thanh toán các loại hóa đơn điện nước, mua sắm, đóng phí bảo hiểm… Ví điện tử giúp việc giao dịch trở nên đơn giản và tiết kiệm thời gian hơn. Chỉ cần sử dụng thiết bị điện tử thông minh có kết nối internet, dù bạn đang ở đâu cũng có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch.
Tại Việt Nam, giai đoạn 2018 - 2023, số lượng và giá trị giao dịch thông qua ví điện tử liên tục đạt mức tăng trưởng hai con số, với tốc độ hàng năm trên 80%. FiinGroup cho biết, thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam bằng điện thoại thông minh phổ biến cao.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 11 tháng của năm 2023, thanh toán qua kênh điện thoại di động nói chung đạt gần 7,13 tỷ giao dịch với giá trị hơn 49,4 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 61,1% về số lượng và 11,7% về giá trị.
Nguyên nhân kênh thanh toán này chiếm ưu thế được nhiều chuyên gia đánh giá là do người dùng điện thoại thông minh của nước ta rất cao. Năm 2022, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ước đạt 73,5%, tương đương gần 72,5 triệu người. Đến năm 2025, con số này được dự báo đạt khoảng 82,2 triệu người.
Khảo sát của nền tảng dữ liệu Statista (Đức) năm 2022 cho thấy, Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về lượng ví điện tử, sau Indonesia và Philippines. Năm 2023, chưa có đơn vị nào đưa ra số liệu đầy đủ về lượng ví điện tử tại các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Statista dự báo trật tự thứ hạng của top 3 trên vẫn sẽ được duy trì đến năm 2026, khi lượng ví điện tử tính đến năm 2026 của Indonesia, Philippines và Việt Nam lần lượt là 215,7 triệu, 69,8 triệu và 67,6 triệu.
FiinGroup cũng đánh giá, dù thị trường đông đúc với 50 công ty dịch vụ trung gian thanh toán, nhưng lượng người dùng ví điện tử tại Việt Nam chỉ tập trung ở vài ông lớn, đặc biệt là Momo, Shopee Pay và VNPay.
Tại Việt Nam, con số tăng trưởng ấn tượng, nhưng ví điện tử vẫn chưa thoát khỏi cuộc đua tiêu vốn của các nhà cung cấp dịch vụ để thu hút và giữ chân khách hàng. Tình trạng này là do nhiều người chọn thanh toán bằng ví điện tử để nhận ưu đãi và phiếu giảm giá. Khi hết ưu đãi hấp dẫn, họ sẽ chuyển sang một nhà cung cấp khác.
Điều này đòi hỏi các nỗ lực khuyến mãi liên tục từ các ví điện tử và cổng thanh toán, dẫn đến gánh nặng chi phí lớn cho các công ty dịch vụ trung gian. Thế nên các nhà cung cấp hàng đầu với hàng triệu người dùng như Momo hay Shopee Pay vẫn bị lỗ, bất chấp tăng trưởng doanh thu ròng.
Để chấm dứt tình trạng này, nhiều đơn vị cung cấp ví điện tử đang dần chuyển từ cuộc đua đốt tiền làm khuyến mãi sang so kè công nghệ, tính toàn diện của hệ sinh thái, trải nghiệm khách hàng và đa dạng hóa doanh thu qua các dịch vụ tài chính bổ sung.