Việt Nam vẫn còn hàng trăm nghìn trẻ em đang làm công việc nặng nhọc, độc hại

Việt Nam hiện vẫn còn khoảng 519.805 trẻ em được xác định đang làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm - những công việc có nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe, an toàn và đạo đức của trẻ.

Ngày 12/6 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới chống lao động trẻ em. Ngày này ra đời với mục đích vận động người dân trên thế giới quan tâm đến vấn đề lao động trẻ em và cùng nhau hành động để xóa bỏ tình trạng này.

Người lao động dưới 15 tuổi làm việc theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, giám sát, điều hành của người sử dụng lao động thì được xem là lao động trẻ em. Nghèo đói, thiên tai, bất bình đẳng xã hội, buôn bán trẻ em và xung đột nội bộ trong một quốc gia là các yếu tố chính dẫn đến sự gia tăng lao động trẻ em.

lao-dong-tre-em-1-1718174544.jpg
Ngày 12/6 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới chống lao động trẻ em

Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang phát triển đã thực hiện điều tra quốc gia về lao động trẻ em (năm 2012 và năm 2018). Phòng ngừa và kéo giảm số trẻ em tham gia hoạt động kinh tế và lao động trẻ em bền vững gắn liền với các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo ở Việt Nam đã và đang được thực hiện ngày càng kịp thời, hiệu quả.

Tại hội thảo "Phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật năm 2024" diễn ra vào ngày 11/6, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết, tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với trung bình khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thấp hơn 4,2% so với toàn cầu...

Ông Đặng Hoa Nam thông tin, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu trẻ em tham gia hoạt động kinh tế, chiếm 9,1% tổng số trẻ trong độ tuổi 5 - 17 của cả nước. Trong đó, có tới 1,1 triệu trường hợp được xác định là lao động trẻ em, chiếm 58,8% trẻ em tham gia hoạt động kinh tế.

Kết quả điều tra từ Bộ Lao động Thương binh Xã hội phối hợp Tổng cục Thống kê cho thấy, có khoảng 519.805 trẻ em được xác định đang làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm - những công việc có nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe, an toàn và đạo đức của trẻ (tương đương 29,6% trẻ hoạt động kinh tế và 50,4% tổng số lao động trẻ em).

lao-dong-tre-em-1718174544.jpg
Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với trung bình khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thấp hơn 4,2% so với toàn cầu

Dù tỷ lệ trẻ em tham gia hoạt động kinh tế được đến trường đã tăng đáng kể từ 43,6% lên 63% trong 10 năm qua, nhưng vẫn còn 19.500 em (tương đương 1,1%) chưa từng được đi học. So với tỷ lệ đi học bình quân toàn quốc là 94,4%, chỉ có 50% lao động trẻ em được đi học. Tỷ lệ này thấp hơn 38,6% với nhóm trẻ em làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Theo ông Nam, những con số này rất đáng lưu tâm với các nhà hoạch định chính sách và cũng là thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo quyền trẻ em nói chung, quyền của lao động trẻ em nói riêng. Hiện nay, vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua để có thể phát huy thành tựu giảm dần lao động trẻ em một cách hiệu quả. Mục tiêu đề ra là tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng lao động trẻ em ở Việt Nam trong thời gian tới.

Cụ thể, cả nước phấn đấu giảm tỉ lệ lao động trẻ em trong độ tuổi 5 - 17 xuống dưới 4,9% vào năm 2025 và 4,5% vào năm 2030. Lãnh đạo Cục Trẻ em cho hay, Bộ Lao động Thương binh Xã hội cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái pháp luật, đặc biệt chính sách liên quan đến hỗ trợ giáo dục, dạy nghề, an sinh xã hội.

Song song, ngành chủ trương tăng cường thực hiện quy chế phối hợp liên ngành, lồng ghép giải quyết tình trạng trẻ em lao động trái pháp luật trong hệ thống bảo vệ trẻ em với các vấn đề giảm nghèo - an sinh xã hội. Bộ quản lý Nhà nước cũng củng cố hệ thống cơ quan bảo vệ trẻ em nhằm phòng ngừa, xóa bỏ lao động trẻ em theo hướng tăng độ bao phủ, lấy trẻ em làm trung tâm.