Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/3, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần) đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4 % so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, ngành kinh doanh bất động sản đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,58 tỷ USD, chiếm hơn 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ.
Tháng 3 ghi nhận lượng vốn đầu tư điều chỉnh của các dự án hiện hữu cũng như giá trị các giao dịch góp vốn mua cổ phần cao hơn tháng 1 và tháng 2. Số dự án đầu tư mới cũng nhiều hơn, song ít dự án quy mô lớn.
Trong 3 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ vốn vào 42 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 970,8 triệu USD, chiếm 15,7%. Đứng thứ hai là Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 745,2 triệu USD, chiếm gần 12,1%.
Có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,55 tỷ USD, chiếm 41,3%. Hong Kong đứng thứ hai với hơn 1,05 tỷ USD, chiếm 17,1%.
Lượng kiều hối đổ về gia tăng mỗi năm theo các chuyên gia là do lượng người đi xuất khẩu lao động tăng lên. Bởi, dù kinh tế suy thoái, họ vẫn hướng về quê hương, hỗ trợ giúp đỡ thân nhân và gia đình.
Bên cạnh đó, nếu như trước đây người Việt ở nước ngoài muốn đầu tư mua nhà, đất đai tại Việt Nam đều phải thông qua người thân, họ hàng dẫn đến nhiều tranh chấp tài sản thì Luật Đất đai 2024 vừa được thông qua sẽ giúp giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, nhiều chính sách rộng mở giúp Việt kiều dễ dàng sở hữu bất động sản tại Việt Nam.
Đồng thời, việc nới lỏng pháp lý sẽ kích cầu thị trường và mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người mua quốc tế. Theo ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội, những nhà đầu tư siêu giàu từ trên khắp thế giới sẽ tìm cách đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử như các nhà đầu tư đến từ Anh, Mỹ, Úc,...
Chuyên gia này cho biết, các nhà đầu tư giàu có thường chú trọng lựa chọn những chủ đầu tư uy tín và có danh tiếng. Do đó, các dự án về bất động sản có thương hiệu sẽ dễ dàng thu hút họ.
Tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp đang kết nối với một số cá nhân có giá trị tài sản "từ cao đến siêu cao" từ Trung Đông, Ấn Độ và một số các thị trường khác. Với các doanh nghiệp này, Việt Nam đang trở thành một điểm đến tiềm năng cho việc mua nhà thứ hai hoặc mở rộng kênh đầu tư bất động sản.
Ngoài ra, rất nhiều cơ hội tiềm năng khác tại thị trường Việt Nam cần được nghiên cứu và khai thác, đặc biệt về yếu tố nguồn cung về bất động sản hàng hiệu hay các khu nghỉ dưỡng chất lượng với chủ đầu tư và thương hiệu quản lý uy tín.