Vụ hơn 200 xe tang vật bị cháy: Chủ phương tiện cần làm gì để được nhận bồi thường?

Để nhận bồi thường, chủ sở hữu cần chuẩn bị các giấy tờ như: Đăng ký xe, bảo hiểm xe (nếu có), biên bản xử phạt vi phạm hành chính (nếu xe bị tạm giữ vì lý do vi phạm hành chính), giấy tờ tùy thân, báo cáo hỏa hoạn...
chay-bai-xe-1710807509.jpg
Tàn thuốc lá là nguyên nhân gây cháy tại bãi tạm giữ xe vi phạm ở huyện Tánh Linh (Bình Thuận)

Tối 9/3, kho tạm giữ xe vi phạm trong khuôn viên trụ sở Công an huyện Tánh Linh (Bình Thuận) đã bốc cháy ngùn ngụt. Vụ hỏa hoạn được dập tắt trong 45 phút, không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, 232 xe máy cùng một số trang thiết bị tại nhà để xe tang vật đã bị thiêu rụi. Ước tính thiệt hại do vụ cháy gây ra là hơn 2 tỷ đồng.

Sau đó, cơ quan chức năng xác định được nguyên nhân gây ra vụ cháy là do tàn thuốc lá của một chiến sĩ công an nghĩa vụ của đơn vị. Cụ thể, theo quy trình khi đưa phương tiện vi phạm về bãi tạm giữ, một cán bộ sẽ hút xăng ra khỏi xe để đưa vào bãi bảo quản. Lúc này, một chiến sĩ công an nghĩa vụ đi qua đã vô tình ném điếu thuốc vừa hút vào khu vực gần đó. Gió thổi đã tàn thuốc bay ngược vào vị trí đang hút xăng khiến lửa bùng phát.

Khoản 5 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành quy định, người lập biên bản tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề, phương tiện vi phạm hành chính. Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm, chứng chỉ hành nghề, giấy phép bị mất, đánh tráo hoặc hư hỏng, bán trái quy định, mất linh kiện... thì người ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 138/2021/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định, người bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ có trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo quản. Trường hợp tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề, phương tiện bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, mất linh kiện, hư hỏng, thay thế thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu.

Tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 138/2021/NĐ-CP của Chính phủ, các chủ xe có quyền yêu cầu cơ quan của người quản lý, bảo quản tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề, phương tiện bị tạm giữ bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong vụ cháy này, do các xe bị cháy đã được chuyển giao từ người ra quyết định tạm giữ sang người quản lý kho tạm giữ và đang được lưu giữ ở kho tạm giữ, nên cơ quan chủ quản kho tạm giữ (Công an huyện Tánh Linh) phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các chủ xe và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

chay-bai-xe-1-1710807509.jpg
Hơn 200 xe vi phạm đã bị thiêu rụi

Vậy chủ xe phải làm gì để nhận được bồi thường? Luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP. HCM) cho biết, chủ xe cần phải chứng minh xe của họ đã bị hư hại trong vụ cháy.

Chủ sở hữu cần chuẩn bị các giấy tờ liên quan như: Đăng ký xe, bảo hiểm xe (nếu có), biên bản xử phạt vi phạm hành chính (nếu xe bị tạm giữ vì lý do vi phạm hành chính), giấy tờ tùy thân, báo cáo hỏa hoạn (nếu có) từ cơ quan chức năng hoặc lực lượng cứu hỏa để chứng minh mức độ thiệt hại.

Chủ sở hữu chuẩn bị đầy đủ giấy tờ xong thì liên hệ với cơ quan quản lý bãi tạm giữ xe vi phạm để thông báo về sự việc và yêu cầu được bồi thường. Việc cung cấp đầy đủ thông tin và giấy tờ liên quan là rất quan trọng để chứng minh quyền sở hữu và mức độ thiệt hại của xe.

Tuy nhiên, luật sư Thanh chia sẻ, việc khó ở đây là yêu cầu bồi thường và nghĩa vụ chứng minh thiệt hại thuộc về chủ sở hữu xe. Trong trường hợp thiếu bằng chứng thiệt hại, chủ xe gặp khó khăn trong việc yêu cầu bồi thường vì không thể chứng minh được cả mức độ lẫn giá trị của thiệt hại đã xảy ra.