Vụ đánh tráo 10.000 thiết bị iPad, iPhone giả mạo gây thiệt hại 6,1 triệu USD

Bằng thủ đoạn đưa những chiếc iPhone giả được sản xuất tại Trung Quốc đến các cửa hàng Apple trên khắp nước Mỹ và Canada để “bảo hành”, đổi lấy hàng thật, những kẻ lừa đảo đã gây thiệt hại cho Apple tới 6,1 triệu USD. Đây là một trong những vụ lừa đảo có quy mô lớn nhất từ trước đến nay mà nạn nhân là “Nhà Táo”.

Tòa án tại Mỹ mới đây đã kết tội 3 anh em nhà họ Liao, người gốc Trung Quốc cùng đồng bọn vì hành vi tổ chức và điều hành một đường dây lừa đảo quy mô lớn đối với các thiết bị iPhone, iPad giả. Kẻ cầm đầu là Zhiwei Liao (34 tuổi) đã phải nhận án phạt 51 tháng tù giam, bị tịch thu 2 căn nhà và 120.370 USD tiền mặt. Toàn bộ 200 thiết bị Apple được phát hiện trong quá trình điều tra cũng bị thu giữ và sẽ được bàn giao trở lại cho “nhà Táo” trong thời gian tới.

lua-dao-iphone-1711716265.jpg
Những kẻ lừa đảo đã đổi giả lấy thật đối với 10.000 iPhone, iPad trên khắp nước Mỹ và Canada, gây thiệt hại lớn cho Apple.

Theo tài liệu vụ án, anh em nhà Liao đã đặt mua số lượng lớn những chiếc iPhone, iPad giả từ Trung Quốc. Sau khi đưa vào Mỹ, chúng cử đồng bọn mang thiết bị giả tới các cửa hàng chính hãng của Apple và qua mặt các nhân viên bằng cách yêu cầu bảo hành, lừa lấy sản phẩm mới. Tất cả các thiết bị giả đều có IMEI trùng khớp với các máy thật đã được bán ra tại thị trường Mỹ và Canada. Điều này đã khiến các nhân viên chăm sóc khách hàng chưa có kinh nghiệm mắc bẫy.

Sau khi lấy được các thiết bị chính hãng, nhóm tội phạm sẽ tuồn hàng trở lại Trung Quốc và bán lại với giá cao nhằm trục lợi.

iphone-fake-1711716160.jpg
Quan sát bằng mắt thường sẽ rất khó phân biệt giữa iPhone giả và iPhone thật.

Vụ lừa đảo được đánh giá có quy mô xuyên lục địa với thủ đoạn tinh vi, có tổ chức. Vì vậy, các cơ quan chức năng hi vọng, thông qua hình phạt nặng sẽ góp phần ngăn chặn những tội phạm khác đang có ý định thực hiện những hành vi tương tự. Trước đó, một vụ lừa đảo liên quan đến hơn 5.000 chiếc iPhone, trị giá 3 triệu USD cũng đã diễn ra ở Anh. Điều này cho thấy mức độ “bạo gan” cũng như thủ đoạn của những kẻ phạm tội ngày càng lớn, gây thiệt hại cho không chỉ Apple, cho người tiêu dùng mà còn có những tác động đến nền kinh tế chung.

Tại Việt Nam, nhiều người không còn quá xa lạ với những chiếc iPhone giả. Tuy nhiên, chúng lại đi vào thị trường theo con đường khác với các vụ án kể trên. Bộ TT&TT mới đây cũng có cảnh báo về thủ đoạn lừa bán iPhone giá rẻ trên mạng xã hội. Theo đó, các đối tượng sẽ chuyển hàng cho người mua theo phương thức ship COD sau khi đạt được thỏa thuận. Khi nhận được hàng, người mua chỉ quan sát được hình thức bên ngoài giống hệt iPhone chứ chưa thể kiểm tra ngay được bên trong. Chỉ khi cài đặt, họ mới tá hỏa ra đã nhận được những chiếc iPhone “Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt”, ngoại hình iOS nhưng lại chạy hệ điều hành Android, thậm chí chỉ là điện thoại “cục gạch”.

Việt Nam cũng chưa từng ghi nhận trường hợp lừa đảo nào tương tự như vụ việc đã diễn ra tại Mỹ. Tuy nhiên, đây cũng là tiếng chuông cảnh báo đối với các nhà sản xuất, các cửa hàng và nhân viên bán hàng của rất nhiều thương hiệu công nghệ trong cả nước, không chỉ riêng Apple.