Vụ Tân Hoàng Minh: Nhà đầu tư cần chuẩn bị gì để đòi lại tiền, liệu có được nhận lãi?

Trong vụ án Tân Hoàng Minh chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng, không chỉ mong mỏi sớm nhận được lại số tiền bỏ ra mua trái phiếu của tập đoàn, các bị hại còn đề nghị được trả lãi. Vậy, họ cần chuẩn bị những gì để đòi lại tiền của mình?

Phiên tòa xét xử vụ án Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cùng đồng phạm chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng của 6.630 bị hại diễn ra từ ngày 19/3. Theo đó, đây là vụ án đầu tiên xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có gian dối.

Trong vụ án, ngay giai đoạn điều tra hai bị cáo đầu vụ là Đỗ Anh Dũng và con trai Đỗ Hoàng Việt đã nộp toàn bộ số tiền chiếm đoạt. Do khắc phục hậu quả 100%, Viện kiểm sát đã đề nghị mức án theo hướng giảm xuống cho các bị cáo.

Trong suốt những ngày diễn ra phiên tòa xét xử, các bị hại đã bày tỏ mong muốn sớm được nhận lại tiền. Một số còn yêu cầu được trả cả tiền lãi cho khoản tiền mà mình đã bỏ ra để mua trái phiếu. Dưới góc độ pháp lý, các luật sư và chuyên gia đã giải đáp về vấn đề này. 

tanhoang-1711256481.jpg
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và con trai đã nộp hơn 8.600 tỷ đồng chiếm đoạt.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, tại Điều 30 bộ luật Tố tụng Hình sự, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Nghĩa là, vấn đề bồi thường cho các nhà đầu tư sẽ được giải quyết khi vụ án lừa đảo của Tân Hoàng Minh được đưa ra xét xử.

Hội đồng xét xử sẽ có thẩm quyền quyết định bồi thường cho ai, bồi thường bao nhiêu… căn cứ vào diễn biến phiên tòa cùng các tài liệu, chứng cứ thu thập được. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, bị hại sẽ làm đơn đề nghị tới cơ quan thi hành án, để yêu cầu người có nghĩa vụ thi hành án bồi thường cho mình. Sau đó, tiền được chuyển từ cơ quan đang tạm giữ tới cơ quan thi hành án, để trả cho bị hại.

Ngoài số tiền đã bị chiếm đoạt, Tiến sĩ Đặng Văn Cường, giảng viên Luật hình sự, Trường Đại học Thủy Lợi cho rằng, nếu nhà đầu tư trong vụ án trên có căn cứ chứng minh còn thiệt hại khác phát sinh (thoả thuận dân sự hợp pháp) thì phải xuất trình chứng cứ để tòa án xem xét.

Đáng chú ý, trong quá trình xét xử, một công ty thuộc Tân Hoàng Minh đã nộp 2 tỷ đồng vào Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội để khắc phục thêm hậu quả. Trong một buổi xét xử, bị cáo Đỗ Anh Dũng cho biết, sẽ trả lãi tính thời điểm trước khi mình bị bắt, còn sau khi vướng lao lý, điều này do HĐXX quyết định. Về vấn đề này, một số bị hại cũng đề nghị được bồi thường cả gốc lẫn lãi. 

tan-hoang-minh-1711256466.png
Hơn 6.600 bị hại là nhà đầu tư mua trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Tiến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, việc mua bán trái phiếu là quan hệ dân sự. Trong khi 9 gói trái phiếu mà Tân Hoàng Minh phát hành là vi phạm pháp luật nên các điều khoản trong hợp đồng đều vô hiệu và sẽ không tính lãi với các giao dịch đó.

Vị luật sư nói thêm, chỉ những quan hệ dân sự hợp pháp thì quyền và nghĩa vụ của các bên mới được đảm bảo theo nội dung đã thỏa thuận. Nếu bị hại bị lừa do bị cáo đưa ra lãi suất cao để vay tiền thì đây là thủ đoạn gian dối, không phải căn cứ để yêu cầu thanh toán số tiền lãi “bánh vẽ” này. Bởi đây là phương thức thủ đoạn phạm tội chứ không phải là thỏa thuận dân sự hợp pháp.

Ngoài ra, để các nhà đầu tư thuận lợi nhận lại số tiền chính đáng của mình ở vụ án Tân Hoàng Minh, Luật sư Nguyễn Thị Mai (công ty luật Hà Trọng Đại và Cộng sự), đưa ra 3 lưu ý. 

Thứ nhất, nhà đầu tư cần cẩn thận kiểm tra toàn bộ thông tin cá nhân cũng như số tiền bị chiếm đoạt. Trong vụ án có số lượng bị hại lên đến hơn 6.600 người, việc này giúp đảm bảo việc thi hành án được tiến hành nhanh chóng.

Thứ hai, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ giấy tờ để thực hiện yêu cầu thi hành án khi bản án có hiệu lực. Bao gồm: Đơn yêu cầu thi hành án dân sự, giấy tờ tuỳ thân, bản án có hiệu lực pháp luật gửi đến Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội. 

Thứ ba: nhà đầu tư là bị hại trong vụ án cần lưu ý về thời hiệu yêu cầu thi hành án để tránh trường hợp hết thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu thi hành án. Theo quy định pháp luật thời hạn là 5 năm.