Cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng có đánh đổi nguồn ngoại tệ?

Xoá bỏ độc quyền và cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên vật liệu được cho là cách giải quyết nguồn cung. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại điều này có đánh đổi nguồn ngoại tệ vốn đã không dồi dào.

Sau những ngày lập đỉnh, thậm chí có thời điểm lên đến 82,5 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng bất ngờ biến động “rơi” mốc 80 triệu đồng/lượng trong hai phiên giao dịch ngày 22-23/3. Ghi nhận vào chiều ngày 26/3, giá vàng miếng của SJC tăng 100.000 đồng/lượng và niêm yết lần lượt ở mức 78,0 – 80,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Theo các chuyên gia, biến động trồi sụt giá vàng miếng gần đây do vấn đề tâm lý, khi người dân và nhà kinh doanh vàng nhận được tín hiệu từ cơ quan quản lý. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất bỏ cơ chế độc quyền và cho phép một số doanh nghiệp nhập khẩu vàng.

Theo NHNN, việc độc quyền sản xuất vàng miếng tại Nghị quyết 24 là giải pháp quan trọng kiểm soát chặt nguồn cung. Từ năm 2014 đến nay, chưa đấu thầu bán vàng miếng, tăng cung trên thị trường. Đây có thể là nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và quốc tế ở mức cao.

vang0-1711442384.jpg
Giá vàng miếng giảm sau khi nhận được tín hiệu từ cơ quan quản lý.

Bàn về vấn đề này, các chuyên gia đã đưa ra nhiều phân tích, trong đó có cả ý kiến trái chiều. Theo TS. Phạm Thu Thuỷ - Phó trưởng khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, việc xóa bỏ độc quyền sẽ giúp SJC sẽ không còn "một mình một chợ", thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường thế giới hơn.
Bên cạnh đó, khi có nhiều nguồn cung, không loại vàng miếng nào được Nhà nước bảo hộ thì các kim loại quý sẽ cạnh tranh sòng phẳng, người dân có thêm nhiều chọn lựa đầu tư. Giá vàng theo đó sẽ ổn định hơn vì không còn tình trạng khan hiếm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế nhận định, nếu bỏ độc quyền vàng, thị trường kim loại quý này tại nước ta sẽ vận hành bám sát hơn với thế giới, tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng. Khoảng cách giá vàng thế giới và trong nước thu hẹp sẽ góp phần giảm tình trạng vàng nhập lậu, chảy máu ngoại tệ, thất thu ngân sách.

Đây là điều cần thiết để những doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập vàng miếng bán ra thị trường. Tuy nhiên, nhà nước phải kiểm soát số lượng để tránh đầu cơ nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu tích trữ của người dân. Hơn nữa, vàng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và còn liên quan tới vấn đề dự trữ quốc gia nên cơ quan chức năng phải có sự kiểm soát chặt chẽ.

Ông Đinh Nho Bảng - Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, độc quyền vàng miếng SJC được coi là thủ phạm gây ra khan hiếm nguồn cung, dẫn tới chênh lệch giá trong nước và quốc tế kéo dài và thị trường bất ổn. Cách giải quyết vấn đề này là cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên vật liệu để sản xuất vàng trang sức...

vang00-1711442384.jpg
Nền kinh tế vẫn chi hàng tỷ USD qua con đường nhập khẩu chưa chính thức.

Một số chuyên gia phân tích, việc nhập khẩu vàng theo hạn ngạch được NHNN cấp sẽ không ảnh hưởng đến tỷ giá, vàng hóa và kinh tế vĩ mô. Bởi, nhà điều hành không cho phép, thì nền kinh tế vẫn đang chi hàng tỷ USD qua con đường nhập khẩu chưa chính thức để đáp ứng nhu cầu vàng trong nước khoảng 50-60 tấn/năm. Vì vậy, việc này sẽ giúp kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, nhà đầu tư được đảm bảo quyền lợi và Nhà nước không bị thất thu thuế.

Tuy nhiên, số khác cho rằng, trong bối cảnh dự trữ ngoại hối khiêm tốn, đánh đổi nguồn ngoại tệ lớn để nhập khẩu vàng là không cần thiết. Điều này gây rủi ro cho nền kinh tế. Dẫn chứng, năm 2022, khi tỷ giá nổi sóng, NHNN phải bán ra hàng chục tỷ USD để can thiệp, song kết quả vẫn như “muối bỏ bể”. Do đó, nếu tỷ giá và vàng đồng loạt nổi sóng, kho ngoại tệ dự trữ sẽ khó có khả năng chống đỡ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng việc siết chặt, thậm chí hạn chế nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng trong nước là cần thiết để tránh hao tổn ngoại tệ, yếu tố có thể gây mất cân bằng cán cân thanh toán tổng thể.  "Việc đánh đổi một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu vàng là xa xỉ trong bối cảnh kinh tế nước ta hiện nay. Trong khi đó, ngoại tệ, xét về khả năng thanh toán, luân chuyển tiền tệ, phương tiện đầu tư tích cực thì còn có ý nghĩa hơn vàng rất nhiều. Chưa nói, ngoại tệ hỗ trợ xuất nhập khẩu, tăng dự trữ quốc gia, bảo đảm khả năng thanh toán của nền kinh tế với bên ngoài", ông Huân nói.