Tiền điện tử là một trong những phân khúc thu hút nhiều đầu tư nhất Đông Nam Á

Lĩnh vực tiền điện tử được ghi nhận tăng đột biến khi thu hút các khoản đầu tư trị giá 91,9 triệu USD, tăng 138% và 246% so với 38,2 triệu USD và 26,3 triệu USD huy động được trong quý I/2023 và quý IV/2023.

grants-2021-blog-1713368570.jpg

Theo đó, hệ sinh thái Fintech ở khu vực này chứng kiến nguồn vốn huy động giảm ở hầu hết các vòng. Ngoài ra, nguồn tài trợ của quý 1/2024 cũng giảm 44% so với mức 939 triệu USD huy động được trong quý trước.

Báo cáo của nền tảng dữ liệu thị trường tư nhân hàng đầu theo dõi các công ty trên toàn cầu Tracxn cũng nhấn mạnh nguyên nhân phần lớn đến từ việc sụt giảm nguồn tài trợ ở giai đoạn cuối. Cụ thể, mức tài trợ giảm 64% từ 758 triệu USD ở quý IV/2023 xuống còn 270 triệu USD trong quý I/2024.

Đồng thời, khoản đầu tư ở giai đoạn hạt giống trong quý I/2024 cũng chỉ đạt 19,4 triệu USD, giảm 27% so với mức 26,5 triệu USD trong quý trước đó. Con số này giảm 59% so với số tiền 47,4 triệu USD đã huy động được trong quý I/2023.

Tuy nhiên, các khoản đầu tư giai đoạn đầu lại tăng đột biến, mức tăng là 114% lên 240 triệu USD so với 112 triệu USD huy động được trong quý I/2023. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư giai đoạn đầu trong quý này cũng tăng 56%.

dong-usd-9839-1713368520.png

Các khoản đầu tư giai đoạn đầu ở Đông Nam Á tăng đột biến

Mặc dù vậy, quý I/2024 chỉ chứng kiến một vòng gọi vốn huy động được 148 triệu USD từ Ant Group của Ngân hàng ANEXT (Singapore). Trước đó, vào quý IV/2024 có tới bốn vòng đạt giá trị này và quý I/2023 có hai vòng như vậy.

Báo cáo của Traxn cũng cho biết, trong quý đầu tiên của năm 2024, thị trường Fintech Đông Nam Á không ghi nhận thêm bất kỳ kỳ lân nào. Đồng thời, cũng không chứng kiến bất kỳ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu nào. Nhưng số vụ mua lại đã tăng lên 10 thương vụ, từ 6 vụ trong quý IV/2023 và 5 vụ trong quý 1/2023.

Những phân khúc được tài trợ nhiều nhất là công nghệ ngân hàng, cho vay thay thế và tiền điện tử. Các công ty trong lĩnh vực công nghệ ngân hàng đã thu hút được khoản tài trợ trị giá 180 triệu USD so với 108 triệu USD huy động được trong quý trước và 5,5 triệu USD huy động được trong quý I/2023.

Ở lĩnh vực cho vay thay thế mức tài trợ đạt khoảng 126 triệu USD, giảm 76% so với khoản tài trợ 531 triệu USD đã huy động trong quý IV/2023 và giảm 58% so với mức 302 triệu USD so với quý I/2023.

Lĩnh vực tiền điện tử được ghi nhận tăng đột biến khi thu hút các khoản đầu tư trị giá 91,9 triệu USD, tăng 138% và 246% so với 38,2 triệu USD và 26,3 triệu USD huy động được trong quý I/2023 và quý IV/2023. Đặc biệt, trong số đó, các công ty fintech có trụ sở tại Singapore chiếm tới 70% tổng nguồn vốn huy động được trong khu vực Đông Nam Á, đạt mức 372 triệu USD. Tiếp đến là các công ty có trụ sở tại Jakarta và Taguig với mức huy động lần lượt là 103 triệu USD và 32,1 triệu USD.

dau-tu-tien-ao-1-1713368773.jpg

Tiền điện tử là một trong những phân khúc thu hút được nhiều đầu tư nhất

Báo cáo cũng chỉ rõ những nhà đầu tư nổi bật trong quý I/2024. Cụ thể: Mirana, Bixin Ventures và Draper Dragonm là những nhà đầu tư ở giai đoạn hạt giống tích cực nhất; MassMutual Ventures, Nyca Partners và Illuminate Financial là những nhà đầu tư ở giai đoạn đầu tích cực nhất và Innovation Partnersn được đánh giá là nhà đầu tư dẫn đầu về nguồn vốn tài trợ giai đoạn cuối.

Được biết, Y Combinator, East Ventures và 500 Global là những quỹ đầu tư đã rót nhiều tiền nhất vào lĩnh vực fintech ở Đông Nam Á. Trước đó, hệ sinh thái khởi nghiệp ở khu vực này đã chứng kiến nguồn tài trợ lớn nhưng hiện tại đang có xu hướng giảm. Mặc dù trong quý IV/2023 nguồn vốn đã tăng lên nhưng đến quý I năm nay lại tiếp tục giảm.

Theo một số chuyên gia trong ngành lý giải nguyên nhân của xu hướng giảm này có thể do hoạt động kinh tế chậm lại giữa các ngành cũng như chi tiêu của người tiêu dùng giảm. Bên cạnh đó, còn là sự thay đổi mối quan tâm của nhà đầu tư với các doanh nghiệp bền vững và đạt mức lợi nhuận cao.