Xu hướng ứng dụng robot thông minh trong ngành bán lẻ

Thời gian gần đây, nhân viên tại kho hàng của Amazon đã quá quen với “đồng nghiệp” mới – một robot có tên Digit cao gần 2m, hình người và có đôi mắt trắng phát sáng.

Robot này được cấu hình để thực hiện các nhiệm vụ cơ bản như nhặt những thùng hàng màu vàng rỗng ra khỏi kệ và vận chuyển chúng đến băng tải và liên tục lặp lại như thế. Digit hiện vẫn trong giai đoạn thử nghiệm nên chưa thể sớm thay đổi ngành hậu cần. Ngoài ra, tuổi thọ pin của robot Digit còn hạn chế, chỉ có thể hoạt động trong vài giờ mỗi lần. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có nhu cầu mua robot đều khẳng định đây chính là giải pháp cho việc tự động hóa những công việc nguy hiểm, có tính lặp đi lặp lại mà hiện tại con người không muốn thực hiện.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận được đây chính là bước tiến lớn về mặt công nghệ và nó đặt nhà sản xuất Agility Robotics vào vị trí tiên phong trong nỗ lực chế tạo những cỗ máy có thể phục vụ ngành bán lẻ. Giám đốc điều hành Agility Robotics  - Aindrea Campbell có 25 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất ở cả Apple và Ford cho biết rằng Agility có thể sẽ sản xuất hàng trăm con robot kho hàng trong 1 năm tới.

ai-in-logistics-cerasis-768x403-1712034131.jpg
Robot thông minh được ứng dụng ngày càng rộng rãi không chỉ trong ngành bán lẻ

Vừa qua, Uber Eats Nhật Bản đã triển khai dịch vụ giao hàng bằng robot nhỏ tại Tokyo sau khi dịch vụ này được triển khai thành công ở Mỹ. Khi người dùng đặt hàng trên Uber Eats, robot sẽ đi đến cửa hàng được chỉ định để nhận và giao hàng đến địa chỉ của khách.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc GS25 cũng đã đưa robot phục vụ tự lái Earo vào hơn 9.000 cửa hàng. Điều đặc biệt là hệ thống cửa hàng của hãng này đã áp dụng công nghệ kiểm soát độ rung vào trong robot để không xảy ra tình trạng đổ, vỡ đồ ăn. Bên cạnh đó, trung tâm xử lý đơn hàng của Coupang tại đất nước này hiện đang hoạt động ngày đêm với hơn 1.000 robot được điều khiển bằng AI, giúp giảm 60% khối lượng công việc của con người.

Sự hiện diện của robot trong ngành bán lẻ đã có mặt tại Đông Nam Á. Nikkei Asia đưa tin, Telkomsel – nhà cung cấp viễn thông của Indonesia đã ra mắt kho hàng thông minh 5G đầu tiên tại quận Bekasi, Tây Java. Nhà kho này ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data) để đơn giản hóa hoạt động và giảm mức tiêu thụ năng lượng. Những công nghệ này có thể giúp nhà vận hành tiết kiệm thời gian, cải thiện hiệu quả xử lý đơn hàng lên đến 25%.

Mới đây, Singapore cũng đã cho ra mắt Trung tâm Đổi mới bán lẻ công nghệ cao Hive 2.0 bao gồm 10 trải nghiệm bán lẻ độc đáo dành cho các công ty khởi nghiệp tập trung vào tự động hóa.

Nhiều chuyên gia nhận định, ngành bán lẻ đang bước vào kỷ nguyên công nghệ để “chiều lòng” khách hàng. Trên thực tế, có nhiều công ty robot hướng tới tương lai xa hơn thì cũng có những đơn vị khác chỉ đơn giản là đặt mục tiêu triển khai nhằm hỗ trợ con người tại các cửa hàng và kho chứa trên phạm vi toàn cầu.