Xử phạt 1 tỷ đồng chủ đầu tư “nợ“ sổ hồng: Chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề

Theo Luật sư Nguyễn Đức Thịnh (Đoàn luật sư TP.HCM) việc xử phạt mức cao không phải là giải pháp duy nhất để giải quyết tình trạng chủ đầu tư "nợ" sổ.

Từ năm 2018, bà Nguyễn Thụy Tường Vy mua căn hộ chung cư Opal Riverside (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM) nhưng đến nay vẫn chưa có sổ hồng. Mỗi lần làm thủ tục liên quan đến quyền sở hữu nhà, bà Vy phải xin xác nhận của chủ đầu tư về việc chủ sở hữu căn hộ nhưng chưa được cấp sổ. 

Tương tự, ông Phan Nguyên Khôi (chung cư Mường Thanh, TP Đà Nẵng) cũng gặp bất tiện đủ đường khi chưa “chính danh ngôn thuận” cầm giấy chứng nhận căn hộ trong tay. Năm 2017, ông Khôi đã đóng đủ tiền theo thỏa thuận để mua một căn hộ tại dự án này. Tuy nhiên, sau đó chính quyền phát hiện chủ đầu tư xây dựng sai phép và buộc phải khắc phục hậu quả.

Người này chia sẻ thêm, chung cư có 800 hộ dân sống nhưng không được thành lập ban quản trị, không được đăng ký cư trú kéo theo con cái không được đi học trường đúng tuyến gần nhà, làm căn cước công dân cũng phải về nơi cư trú cũ và việc thế chấp căn hộ để vay vốn là điều bất khả kháng.

gty5-1713115938.jpg
Đề xuất phạt lên tới 1 tỷ đồng với chủ đầu tư chậm làm sổ hồng cho người mua căn hộ chung cư.

Liên quan đến việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có đề xuất mức phạt lên tới 1 tỷ đồng với chủ đầu tư chậm làm sổ hồng cho người mua căn hộ chung cư. Thế nhưng, dưới góc nhìn của người dân và chuyên gia, số tiền phạt hành chính này chưa giải quyết được gốc rễ của sự việc.

Bà Mộng Vân, thành viên ban quản trị chung cư Opal Riverside cho rằng, số tiền phạt trên so với dự án thì không đáng kể. Bởi nếu chủ đầu tư cố tình vi phạm vì một lợi ích lớn hơn thì số tiền phạt không đủ sức răn đe. 

Bà Vân góp ý, phải xử phạt bằng hình thức khác như đưa vào điều kiện đầu tư cho dự án sau hoặc bị đánh giá điểm thấp trên thang minh bạch thị trường…thì sẽ phù hợp và có tính răn đe hơn.

Một số người dân cũng bày tỏ, họ không quan tâm đến việc chủ đầu tư bị xử phạt bao nhiêu mà cần các cơ quan chức năng tìm cách tháo gỡ để tránh cho người dân bị thiệt thòi quyền lợi. Đồng thời, mức xử phạt trên đối với chủ đầu tư chậm làm sổ cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cư dân thì không lớn. Số tiền 1 tỷ đồng có khi chỉ bằng 10m2 chung cư. Vì vậy, chủ đầu tư cố tình vi phạm nhiều lần thì cần áp dụng biện pháp dừng không cho triển khai các dự án mới trong 2 - 3 năm hoặc cho đến khi khắc phục xong hậu quả.

Bàn về câu chuyện này, TS Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định, mức phạt này quá thấp. Theo TS Cường, cần xem xét đến trường hợp do lỗi của các bên. 

Nếu lỗi do chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc sai phạm xây dựng dẫn đến dự án không đủ điều kiện cấp giấy hồng thì họ phải chịu trách nhiệm. Mức phạt phải tăng lên để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà.

Một đại diện doanh nghiệp bất động sản chia sẻ, theo luật, sau khi cư dân được cấp giấy hồng, chủ đầu tư thu được 5% giá trị còn lại. Vì vậy, họ rất muốn khách hàng sớm nhận sổ. Nhưng việc này càng lúc càng khó vì nhiều lý do. Đó là chưa kể có trường hợp, phía cơ quan chức năng sợ bị xử lý trách nhiệm cá nhân nên không quyết đoán, nhiệt tình cùng doanh nghiệp gỡ khó.

so-hong3-1713115910.jpg
Theo Luật sư Nguyễn Đức Thịnh (Đoàn luật sư TP.HCM), hiện nay vướng mắc dẫn đến việc nhiều chung cư, dự án nhà ở treo”giấy hồng không chỉ lỗi ở chủ đầu tư.

Đứng ở góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Đức Thịnh (Đoàn luật sư TP.HCM) nêu, hiện nay vướng mắc dẫn đến việc nhiều chung cư, dự án nhà ở treo”giấy hồng không chỉ lỗi ở chủ đầu tư. Thực tế có cả phần của các cơ quan quản lý. 

Dẫn chứng, trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận, số dự án suôn sẻ về pháp lý không nhiều. Quy định pháp luật về đất đai ban hành rồi điều chỉnh, sửa đổi, thậm chí bãi bỏ. Nhiều văn bản ban hành chưa kịp thời. Hay việc doanh nghiệp gặp rắc rối nếu dự án kéo dài, nên buộc họ phải chọn cách "vừa chạy vừa xếp hàng". Thậm chí, họ chấp nhận đi “đường tắt" để "ra hàng" sớm, khi đến khâu cấp giấy hồng thì ách tắc…

Vị luật sư cho rằng, việc xử phạt mức cao không phải là giải pháp duy nhất để giải quyết tình trạng "nợ" sổ. Vì vậy, Nhà nước cũng phải công bố những vướng mắc pháp lý và trách nhiệm tháo gỡ của từng dự án để người dân không chỉ còn biết áp lực lên mỗi chủ đầu tư.

Tương tự, luật sư Nguyễn Tiến Lập (Đoàn luật sư TP Hà Nội), người mua nhà có thể kiện chủ đầu tư yêu cầu thực hiện đúng theo hợp đồng mua bán. Điều quan trọng, phải có những cam kết rõ ràng về nghĩa vụ, thời hạn thực hiện và mức phạt vi phạm.
Ngoài ra, việc toàn bộ cư dân cùng kiện thì mức phạt bồi thường sẽ lớn sẽ ảnh hưởng đến nhiều hoạt động khác của chủ đầu tư. Đây là mức thiệt hại lớn hơn về mọi mặt và chế tài đủ răn đe các chủ đầu tư cố tình "treo" giấy hồng của cư dân.