EU cam kết cắt giảm thủ tục hành chính về công nghệ để theo đuổi các mục tiêu về AI

Tại hội nghị thượng đỉnh về AI đang diễn ra tại Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, châu Âu sẽ cắt giảm quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho trí tuệ nhân tạo phát triển trong khu vực, đồng thời kêu gọi đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào EU thời gian tới.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về AI tại Paris, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật số của Liên minh châu Âu Henna Virkkunen đã hứa, khối này sẽ đơn giản hóa các quy tắc và thực hiện chúng theo cách có lợi cho doanh nghiệp.

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phá bỏ các rào cản về AI của người tiền nhiệm để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Mỹ, EU đã chịu áp lực phải theo đuổi cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối với quy định về AI để giúp các công ty châu Âu tiếp tục theo đuổi cuộc đua công nghệ.

Ông Macron nói "Chúng tôi sẽ đơn giản hóa (các quy định về công nghệ). Rõ ràng là chúng tôi phải đồng bộ lại với phần còn lại của thế giới".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh AI tại Paris, cho biết EU sẽ nới lỏng các quy định hành chính để mở đường cho AI phát triển.

Lấy ví dụ về nhà thờ Đức Bà theo phong cách Gothic, được xây dựng lại trong thời gian kỷ lục sau một trận hỏa hoạn tàn khốc, nhờ vào quy định đặc biệt và đơn giản hóa các quy định hành chính, ông Macron cho hay: "Cách tiếp cận theo phong cách Notre-Dame (Đức Bà) sẽ được áp dụng cho các trung tâm dữ liệu, để cấp phép đưa ra thị trường, cho AI và tạo ra sức hấp dẫn".

Theo các nhà quan sát, những động thái ban đầu của tổng thống Mỹ Donald Trump về AI đã nhấn mạnh sự khác biệt sâu sắc trong các chiến lược quản lý AI ở Mỹ, Trung Quốc và EU. Chính vì vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày bắt đầu vào thứ Hai tại Paris, nhiều chuyên gia đã thúc đẩy EU nới lỏng bộ quy tắc của chính mình.

"Năng suất của Châu Âu phụ thuộc vào việc sử dụng công nghệ mới nổi này", Tổng giám đốc điều hành Alphabet (công ty mẹ của Google) là Sundar Pichai cho biết.

Bà Virkkunen, một Ủy viên châu Âu cũng chia sẻ: "Tôi đồng ý với các ngành công nghiệp rằng hiện nay, chúng ta cũng phải xem xét lại các quy định của mình, chúng ta có quá nhiều quy định chồng chéo. Chúng tôi sẽ cắt giảm thủ tục hành chính và gánh nặng hành chính khỏi các ngành công nghiệp của chúng tôi".

Năm ngoái, các nhà lập pháp châu Âu đã phê duyệt Đạo luật AI của khối, bộ quy tắc toàn diện đầu tiên trên thế giới quản lý công nghệ này.

Trong khi đó, Pháp hy vọng các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh sẽ đồng ý với một văn bản chung, không ràng buộc nêu rằng cuộc cách mạng AI phải mang tính toàn diện và bền vững.

Cũng trong hội nghị, ông Macron đã tiết lộ khoản đầu tư của khu vực tư nhân vào AI tại Pháp lên tới khoảng 109 tỷ euro (113 tỷ USD). Số tiền này sẽ sử dụng để đầu tư phần lớn cho cớ sở hạ tầng AI tại nước này, bao gồm một trung tâm dữ liệu tại Paris của công ty khởi nghiệp Mistral của Pháp.

Toàn cảnh gian giữa của bảo tàng Grand Palais - nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hành động về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Paris, Pháp, ngày 10/2/2025

Clem Delangue, CEO của Hugging Face, một công ty Mỹ có những người đồng sáng lập là người Pháp, chuyên cung cấp AI nguồn mở trực tuyến, cho biết quy mô của các khoản đầu tư được công bố tại Pháp "đã trấn an chúng tôi rằng... sẽ có đủ các dự án tham vọng tại Pháp".

Mối quan hệ đối tác giữa các quốc gia như Pháp và Đức cùng các công ty trong ngành như Google và Salesforce cũng được mở rộng ngay trong khuôn khổ hội nghị với sự ra mắt của dự án Current AI. Với khoản đầu tư ban đầu là 400 triệu USD, quan hệ đối tác này sẽ dẫn đầu các dự án vì lợi ích công cộng như tạo dữ liệu chất lượng cao cho AI và đầu tư vào các công cụ nguồn mở. Mục tiêu của nó là huy động được tới 2,5 tỷ USD vốn trong năm năm.

Nhà sáng lập Current AI Martin Tisné nói, cần phải tập trung vào lợi ích công cộng để tránh AI có những nhược điểm như phương tiện truyền thông xã hội đã từng gặp. "Chúng ta phải rút ra được những bài học".

Mặc dù hướng tới một tương lai tươi sáng với nhiều triển vọng về AI, tuy nhiên không phải ai ở Paris cũng đồng ý áp dụng biện pháp nhẹ tay hơn đối với quy định về AI. Brian Chen, giám đốc chính sách tại Data & Society, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ cho biết: "Điều tôi lo lắng là... sẽ có áp lực từ Mỹ và những nơi khác nhằm làm suy yếu Đạo luật AI của EU và làm suy yếu các biện pháp bảo vệ hiện có".

Nhiều nhà lãnh đạo khác cũng  cũng bày tỏ lo ngại về tác động của AI đối với người lao động, bao gồm cả việc bị AI thay thế công việc và bị đẩy sang những công việc mới ít được bảo vệ hơn.

Tổng thống Pháp đăng video deepfake về bản thân để quảng bá cho AI

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về AI được tổ chức tại Paris trong 2 ngày 10-11/2/2025, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đăng tải một đoạn video deepfake ghép ảnh bản thân vào những người nổi tiếng khác đang nhảy múa, làm tóc, nhằm thu hút chú ý cho hội nghị AI ở Paris.

Hình ảnh deepfake ông Macron để tóc dài được đăng tải trong đoạn video deepfake.

Video deepfake mở đầu bằng cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để kiểu tóc dài như phụ nữ, đeo băng đô màu xanh, sau đó chuyển qua cảnh ông để tóc mullet nhảy theo ca khúc nổi tiếng Voyage, Voyage của Desireless những năm 1980.

Trong những cảnh khác, ông Macron biến thành người hướng dẫn làm tóc, nghệ sĩ người Pháp Nekfeu đọc rap, hay trở thành nam diễn viên Jean Dujardin trong bộ phim hài về điệp viên OSS 117.

Trong đoạn video deepfake đăng trên tài khoản mạng xã hội X của chính mình ngày 9/2, thu hút gần 9 triệu lượt xem, ông Macron không quên nhận xét "Video được làm rất tốt, khiến tôi bật cười".