Hàng giả, hàng nhái ồ ạt trước Tết Nguyên đán, người tiêu dùng cần có phản ứng mạnh hơn

Đối với các hàng vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, cần có những phản ứng mạnh như như yêu cầu trả hàng, tố cáo với những đơn vị phân phối, cơ quan chức năng nếu như mua phải các mặt hàng vi phạm về chất lượng.

Thời điểm trước Tết Nguyên đán 2024, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Thế nhưng, việc lựa chọn địa chỉ mua hàng không phải là điều đơn giản. Mới đây, thông tin liên quan tới việc Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội phối hợp với Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục thương mại điện tử và kinh tế số cùng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã kiểm tra kho hàng tại Hà Đông và phát hiện nhiều vi phạm. Theo đó, kho hàng này của một người nổi tiếng trên MXH, thường xuyên livestream bán hàng qua các sàn thương mại điện tử. Hàng hoá đa phần là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng có xuất xứ từ nước ngoài, thế nhưng lại không có tem hay nhãn phụ Tiếng Việt và không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Càng tới thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng càng cao

Được biết đây không phải là trường hợp đầu tiên hay duy nhất bị phát hiện. Tháng 11 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường Gia Lai đã phối hợp kiểm tra đối với 1 hộ kinh doanh có dấu hiệu thường xuyên livestream, chốt đơn trên các sàn thương mại điện tử lên tới hàng nghìn đơn/ngày. Thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh này không xuất trình được giấy tờ đối với các loại hàng hoá như thực phẩm chức năng, giày dép, nước hoa…. Hàng hoá ở đâu có dấu hiệu giả mạo, không có nguồn gốc xuất xứ hay nhập lậu.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh, thời gian vừa qua, tình trạng kinh doanh hay buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu qua các trang MXH, sàn thương mại điện tử diễn ra vô cùng phức tạp và trở thành vấn đề rất “nóng”. Số vụ vi phạm gia tăng không ngừng với tính chất nghiêm trọng, không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường mà còn có các sản phẩm như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… điều này đã làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của không ít người. 

Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là những mặt hàng thường xuyên bị làm giả

Và thời gian gần đây, khi hình thức livestream đang nở rộ trên các sàn thương mại điện tử, việc buôn bán hàng giả, hàng nhái, nhập lậu còn được “chào bán” công khai, trực tiếp bởi nhiều người nổi tiếng hay những người có sức ảnh hưởng, lượt bán tăng cao và nhận được nhiều lòng tin của người tiêu dùng. Nhiều người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền ra mua thế nhưng nhận lại những sản phẩm kém chất lượng. Và kết quả “trái đắng” chỉ có người tiêu dùng gánh phải.
Chị Ngọ Hoàng Anh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, việc bùng nổ của các sàn thương mại điện tử cũng như “back-up” của Covid-19 đã khiến việc mua sắm online trở thành thói quen của chị. Ngoài Shopee, thời gian gần đây Tiktok đang trở thành địa điểm mua sắm của chị. Thế nhưng mặc dù lựa chọn các shop uy tín, không ít lần chị gặp phải hàng nhái với bao bì sản phẩm khác. Theo chị Hoàng Anh, việc mua sắm online rất dễ gặp phải tình trạng này, bởi lẽ khách hàng không thể kiểm chứng được điều này.
Từ thời điểm này tới Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của thị trường cao, sôi động, kéo theo đó vấn nạn hàng giả, hàng nhái sẽ càng phức tạp hơn. Các cơ quan, đơn vị chức năng phải đưa ra thêm nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng này để bảo vệ môi trường tiêu dùng lành mạnh, giúp người tiêu dùng an tâm mua sắm.

Để giải quyết tận gốc tình trạng hàng giả, hàng nhái, nhiều chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng cần phải thay đổi thói quen và tỉnh táo hơn khi mua hàng

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) mới đây vừa ban hành Kế hoạch cao điểm trong việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo đó, chỉ đạo tập trung kiểm soát chặt chẽ các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, mua, bán trực tuyến để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán hay vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm các quyền về sở hữu trí tuệ...
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam đã đưa ra cam kết, nền tảng này sẽ quản lý chặt, giữ quyền xóa đối với nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Người mua hàng nếu phản ánh nội dung quảng cáo sai sự thật, TikTok sẽ gỡ bài, thậm chí xóa tài khoản cũng như báo cáo về vi phạm đối với cơ quan chức năng để không chỉ chịu chế tài trên nền tảng TikTok mà còn còn phải chịu các chế tài xử lý Nhà nước. Ông Thanh cũng cho biết, TikTok cũng sẽ thường xuyên đánh giá, có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với các nhà quản trị/sáng tạo nội dung khi livestream. Và đánh giá nếu có vi phạm sẽ cho dừng phiên và xử lý vi phạm.
Phía Lazada cũng đưa ra thông tin, sẽ phối hợp chặt chẽ với các thương hiệu hay đối tác với cơ quan thực thi pháp luật để có những biện pháp xử lý kịp thời đối với các gian hàng bị phát hiện đang buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng như hạn chế hoạt động của gian hàng, hạn chế hiển thị các sản phẩm, khóa tài khoản bán hàng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trên sàn này.
Để giải quyết tận gốc tình trạng hàng giả, hàng nhái, nhiều chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng cần phải thay đổi thói quen và tỉnh táo hơn khi mua hàng trên không gian mạng. Ngoài ra, cần có những phản ứng mạnh như như yêu cầu trả hàng, tố cáo với những đơn vị phân phối, cơ quan chức năng nếu như mua phải các mặt hàng vi phạm về chất lượng.