Nguy cơ thiếu hụt chip AI trên thế giới cận kề

Theo các chuyên gia, nhu cầu tăng đột biến về chất bán dẫn tập trung vào trí tuệ nhân tạo và điện thoại thông minh, máy tính xách tay hỗ trợ AI có thể dẫn đến tình trạng thiếu chip AI trên toàn cầu trong thời gian tới.

Theo dữ liệu màcCông ty tư vấn Bain&Co vừa công bố tuần qua cho thấy, nhu cầu về chất bán dẫn cho trí tuệ nhân tạo và điện thoại thông minh, máy tính xách tay AI ngày càng tăng mạnh trên toàn cầu.

Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn lớn xảy ra lần gần nhất  là trong thời gian đại dịch Covid-19, xuất phát từ việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn và nhu cầu về đồ điện tử tiêu dùng tăng cao khi người dân phải làm việc ở nhà.

Để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, các “gã khổng lồ” công nghệ thế giới đã nhanh chóng thu gom nguồn chip bán dẫn từ những nguồn cung ổn định như Nvidia. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, trong đó các con chip đồ họa (GPU) là thành phần không thể thiếu trong các trung tâm dữ liệu dùng để đào tạo các mô hình AI làm nền tảng cho các ứng dụng như ChatGPT của OpenAI.

Nguy cơ về việc thiếu hụt chip bán dẫn ngày càng tới gần khi nhu cầu của các công ty trong cuộc chạy đua AI lên cao.

Trong khi Nvidia tập trung vào các con chip AI cho trung tâm dữ liệu thì các công ty như Qualcomm đang thiết kế con chip thông minh dành cho smartphone và máy tính các nhân.

Bain&Co cho biết, nhu cầu về GPU và thiết bị điện tử tiêu dùng AI có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu chip.

Anne Hoecker, người đứng đầu bộ phận công nghệ tại châu Mỹ của Bain cho biết: “Nhu cầu tăng cao đối với bộ xử lý đồ họa (GPU) đã gây ra tình trạng thiếu hụt một số thành phần cụ thể của chuỗi giá trị bán dẫn. Nếu chúng ta kết hợp sự tăng trưởng nhu cầu về GPU cùng với làn sóng các thiết bị hỗ trợ AI, có thể đẩy nhanh chu kỳ đổi mới sản phẩm PC, thì có thể sẽ có nhiều hạn chế hơn về nguồn cung chất bán dẫn”.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa rõ nhu cầu về các tiện ích hỗ trợ AI sẽ lớn đến mức nào, vì người tiêu dùng vẫn có thái độ khá thận trọng đối với chúng cho đến nay.

Bain lưu ý chuỗi cung ứng chất bán dẫn “vô cùng phức tạp và nhu cầu tăng khoảng 20% ​​trở lên có khả năng cao làm mất cân bằng và gây ra tình trạng thiếu chip”.

Báo cáo cho biết thêm: “Sự bùng nổ của AI trên khắp các thị trường lớn có thể dễ dàng vượt qua ngưỡng đó, tạo ra các điểm nghẽn dễ bị tổn thương trong toàn bộ chuỗi cung ứng”.

Chuỗi cung ứng chất bán dẫn trải rộng trên nhiều công ty. Ví dụ, trong khi Nvidia có thể thiết kế GPU của mình, chúng được sản xuất bởi Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) có trụ sở ở Đài Loan. TSMC dựa vào các công cụ sản xuất chip từ các quốc gia trên thế giới, chẳng hạn như Hà Lan. Hơn nữa, các chip tiên tiến nhất chỉ có thể được sản xuất ở quy mô lớn bởi TSMC và Samsung Electronics.

Những bất ổn về địa chính trị có thể gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng chip.

Các chuyên gia cho rằng, tình trạng thiếu chip có thể bị thúc đẩy một phần từ các yếu tố địa chính trị. Các chất bán dẫn được các chính phủ trên thế giới coi là công nghệ chiến lược. Mỹ đã thực hiện một chiến dịch, thông qua các hạn chế xuất khẩu và các lệnh trừng phạt khác , nhằm cố gắng hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với các loại chip tiên tiến nhất. Trong khi đó, Mỹ cũng đồng thời tìm cách củng cố năng lực sản xuất chất bán dẫn trong nước của mình.

Bain cho biết: “Căng thẳng địa chính trị, hạn chế thương mại và việc các công ty công nghệ đa quốc gia tách chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc tiếp tục gây ra rủi ro nghiêm trọng cho nguồn cung chất bán dẫn. Sự chậm trễ trong xây dựng nhà máy, tình trạng thiếu hụt vật liệu và các yếu tố khó lường khác cũng có thể tạo ra điểm thắt chặt”.