Với hơn 1,2 triệu dân, Biên Hòa (đô thị loại I) đang là thành phố thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước, tương đương với 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Đà Nẵng, Cần Thơ.
Do có vị trí thuận lợi cách trung tâm TP. HCM chỉ 30km, đồng thời phát triển nhiều KCN lớn nên lượng cư dân đổ về Biên Hòa sinh sống rất lớn.
Tại Biên Hòa có 7 KCN lớn gồm KCN Amata (513 ha), KCN Hố Nai (500 ha), KCN Biên Hòa 1 (325 ha), KCN Biên Hòa 2 (395 ha), KCN Tam Phước (323 ha), KCN Loteco (100 ha) và KCN Agtex Long Bình (43 ha).
Sự phát triển nhanh chóng của TP. Biên Hòa đã đặt ra nhiều thách thức về hạ tầng, nhất là giao thông cùng với đó là các vấn đề nhà ở, trường học, bệnh viện, cấp thoát nước. Trong nỗ lực quy hoạch lại Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch di dời KCN Biên Hòa 1 và chuyển đổi công năng thành khu đô thị, dịch vụ, thương mại hiện đại.
Nhằm tạo sự đột phá phát triển cho Biên Hòa, những năm qua, Đồng Nai đã đầu tư triển khai nhiều dự án hạ tầng. Song tới nay, tiến độ triển khai của nhiều dự án không đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng.
Đầu tiên phải kể đến là dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, với mức đầu tư khoảng 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay, đoạn đi qua địa bàn TP. Biên Hòa của dự án triển khai rất chậm vì chưa được bàn giao mặt bằng.
BQL dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư Đồng Nai cho hay, có khoảng 28ha đất tại phường Phước Tân (TP. Biên Hòa) thuộc diện chủ nhà không phải chủ đất, mua bán giấy tay qua nhiều đời chủ. Do đó, BQL đang phối hợp với chính quyền địa phương liên hệ tìm chủ đất, thực hiện theo trình tự kiểm đếm khi vắng chủ.
Dù đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục vào năm 2023 nhưng tới nay dự án cầu Vàm Cái Sứt vẫn chưa thể kết nối với cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây vì… thiếu đường đi. Do chưa thống nhất được phương án thực hiện đầu tư công hay tư nên tuyến đường kết nối dài khoảng 6km chưa biết khi nào mới được đầu tư xây dựng.
Cầu Vàm Cái Sứt có tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe, chiều dài 650m, rộng hơn 23m. Cuối năm 2020 công trình này được khởi công xây dựng và tới 2023 thì hoàn thành. Đến nay cây cầu này vẫn bị bỏ không, chưa đưa vào sử dụng.
Sau khi cầu Vàm Cái Sứt được khởi công, để phát huy hiệu quả toàn tuyến, Đồng Nai dự tính đầu tư 1.500 tỷ đồng để nâng cấp Hương lộ 2.
Sau 4 năm do vướng giải phóng mặt bằng, dự án Hương lộ 2 dài 10km nối Quốc lộ 51 với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn dang dở. Trong ảnh là cầu An Hòa 2 mới chỉ xây được 2 trụ cầu chính. Cây cầu này bắc qua sông Bến Gỗ nối phường An Hòa và xã Long Hưng (TP. Biên Hòa).
Nút giao Hương lộ 2 với Quốc lộ 51 vẫn chậm thi công các hạng mục chính. Bởi lẽ trên tuyến đường có khu đất của một hợp tác xã chưa thể giải tỏa.