Cảng hàng không Sa Pa "vắng bóng" nhà đầu tư, vì đâu nên nỗi?

Trải qua 2 lần mời thầu nhưng tới nay dự án Cảng hàng không Sa Pa vẫn không có nhà đầu tư tham gia. Nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không “mặn mà” là do điều chỉnh tăng vốn góp Nhà nước, thời gian thu hồi vốn quá lâu…

Quá nhiều nguyên nhân khiến nhà đầu tư e ngại

Vừa qua, Bộ KH&ĐT (cơ quan thường trực hội đồng thẩm định liên ngành) đã có thông báo kết luận thẩm định về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa theo phương thức PPP (đối tác công – tư).

Với việc không lựa chọn được nhà đầu tư, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Lào Cai giải trình và làm rõ một số nội dung, cũng như đề xuất giải pháp.

Dự án Cảng hàng không Sa Pa được động thổ vào ngày 3/3/2022 là công trình chào mừng, kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Lào Cai. Trải qua 2 lần mời thầu, dự án không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nào.

Phối cảnh dự án Cảng hàng không Sa Pa

Trước đó, theo khảo sát của UBND tỉnh Lào Cai, có 2 nhà đầu tư muốn làm dự án này là Công ty CP Tập đoàn T&T và Công ty TNHH Dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sapa (thuộc tập đoàn Sun Group). Nhưng sau khi phát hành hồ sơ mời thầu, dự án lại không nhận được bất cứ hồ sơ dự thầu nào.

UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, nguyên nhân khiến các nhà đầu tư dè dặt, không mặn mà tới dự án là do:

Thứ nhất, việc đầu tư hạ tầng vào sân bay cần nguồn vốn lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn lại kéo dài, đặc biệt do tác động nặng nề của dịch Covid-19 và sự đóng băng của thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn.

Thứ 2, vì thời gian hoàn vốn rất dài nên rất khó thu hút vốn từ các ngân hàng thương mại. Theo tính toán của Lào Cai, thời gian hoàn vốn lên tới 43 năm 11 tháng.

Thứ 3, nhà đầu tư e ngại là do Lào Cai muốn điều chỉnh chủ trương đầu tư, tăng phần vốn góp của Nhà nước từ 39,29% lên 49,74%.

Bộ GTVT cho biết đang lập đề án xã hội hóa ngành hàng không để trình các cấp có thẩm quyển.

Hội đồng thẩm định liên ngành đề nghị Lào Cai cần làm rõ cơ sở đề xuất và phân tích sâu hơn mối quan hệ của việc tăng tỷ lệ vốn Nhà nước với việc không có nhà đầu tư tham gia dự thầu; làm rõ các nguyên nhân chính yếu dẫn đến việc chưa lựa chọn được nhà đầu tư (như khung giá, phí, cơ chế đảm bảo đầu thu, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu…). Bên cạnh đó, việc đầu tư dự án hàng không có tính chất đặc thù, cần phối hợp với Bộ GTVT để làm rõ các điều kiện cần thiết, đảm bảo tính khả thi trong thu hút vốn đầu tư. Hiện nay, thời gian thu hút vốn đầu tư quá dài, gấp 2 lần so với các dự án đường bộ.

Cảng hàng không Sa Pa có diện tích 371ha, tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng (Ảnh: An Trịnh - Lao Động)

Lào Cai muốn giải phóng mặt bằng dự án

Tháng 10/2021, dự án xây dựng Cảng hàng không Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức PPP. Dự án có tổng diện tích dự kiến 371ha thuộc xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên (Lào Cai). Thời gian thực hiện dự án dự kiến kéo dài trong 50 năm, trong đó thời gian xây dựng là 4 năm, còn thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn là 46 năm.

Cảng hàng không Sa Pa có tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng và được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 gần 4.200 tỷ đồng, số vốn 2.800 tỷ đồng còn lại thuộc giai đoạn 2.

Theo đó, giai đoạn 1 của dự án thực hiện từ năm 2021 là xây dựng Cảng hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C, sân bay quân sự cấp II, công suất 1,5 triệu hành khách/năm.

Sau năm 2028 sẽ thực hiện giai đoạn 2, hoàn thành các hạng mục của sân bay nhằm đạt công suất 3,0 triệu hành khách/năm đảm bảo phù hợp với quy hoạch.

Hiện nay, UBND tỉnh Lào Cai đang muốn giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án trong giai đoạn 1.

Toàn cảnh khu tái định cư Cảng Hàng không Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên (Ảnh: Quốc Hồng - Báo Nhân dân)

Hội đồng thẩm định đề nghị Lào Cai giải trình về việc cân nhắc di dân, bởi mãi tới năm 2028 mới thực hiện giai đoạn 2, việc giải phóng mặt bằng có thể sẽ chưa sử dụng, dân cư phải di dời. Giai đoạn 2 của dự án, Lào Cai cũng cần làm rõ là sẽ đầu tư hạng mục nào để đạt công suất 3 triệu hành khách/năm và tiến độ đầu tư sân bay quân sự cấp II.

Tỉnh Lào Cai cho biết, hiện nay toàn bộ ranh giới quy hoạch đã được cắm mốc và giao cho UBND huyện Bảo Yên quản lý. Đồng thời các hộ dân trong phạm vi thực hiện giai đoạn 2 không được xây dựng các công trình mới.

Dựa trên cơ sở nguyện vọng của người dân và đề xuất của địa phương, UBND tỉnh đề nghị cho phép triển khai giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án trong giai đoạn 1.

Phía Hội đồng thẩm định đề nghị Lào Cai có giải pháp tuyên truyền ổn định dân cư, đôi với khu vực đã giải phóng mặt bằng cần phải có phương án bảo vệ tái lấn chiếm. Bên cạnh đó, tỉnh cần giám sát chặt chẽ chủ đầu tư cam kết thực hiện giai đoạn 2 theo đúng lộ trình.

Nhu cầu vận tải của sân bay Sa Pa chưa đủ thuyết phục?

Trong thông báo kết luận, dự báo nhu cầu vận tải của Cảng hàng không Sa Pa được Hội đồng thẩm định liên ngành chỉ ra là chưa đủ cơ sở thuyết phục.

Dự án Cảng hàng không Sa Pa được chính thức động thổ ngày 3/3/2022 (Ảnh: Anh Tú - Vneconomy)

Một số lý do được đưa ra gồm: chưa dự báo được số lượng hành khách đến và đi; Vị trí sân bay chưa thuận tiện khi cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 80km, phân lưu với các tuyến đường cao tốc, đường sắt kết nối tỉnh Lào Cai với các địa phương; tới năm 2026 khi hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên hoàn thành, lưu lượng hành khách sẽ chia sẻ với dự án này; phương pháp dự báo tăng trưởng nhu cầu vận chuyển là xét đoán chuyên gia, không tính được trên cơ sở khoa học.

Tuy nhiên, theo dự kiến của UBND tỉnh Lào Cai, năm 2027 có khoảng 1 triệu khách hàng di chuyển bằng máy bay của Cảng hàng không Sa Pa là khả thi. Bên cạnh đó khi dự án hoàn thành sẽ thu hút lượng khách lớn từ vùng Tây Nam (Trung Quốc).

Về vị trí, hiện đang đầu tư nâng cấp các đường kết nối đến cảng hàng không nên thời gian di chuyển được rút ngắn chỉ 1 giờ đồng hồ, cụ thể là đoạn từ TP. Lào Cai đến Sa Pa khoảng 30km - tuyến Quốc lộ 4D và tỉnh lộ 155; dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa với huyện Tam Đường (Lai Châu).

Hội đồng thẩm định tiếp tục đề nghị UBND tỉnh Lào Cai chịu trách nhiệm về kết luận khảo sát và tính toán, dự báo, đảm bảo việc tính toán là khoa học, khách quan, trung thực.