Chậm cấp sổ hồng: Cần tách bạch nghĩa vụ của chủ đầu tư với quyền lợi của người mua nhà

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (HoREA) cho rằng, nghĩa vụ tài chính giữa chủ đầu tư và Nhà nước cần được tách biệt để xử lý riêng, chỉ nên tạm dừng cấp sổ hồng đối với các căn hộ hoặc diện tích kinh doanh thuộc sở hữu của chủ đầu tư.

Vấn đề chậm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) cho người mua nhà tại TP.HCM tiếp tục gây bức xúc khi hàng loạt dự án rơi vào tình trạng ách tắc do nghĩa vụ tài chính chưa hoàn tất giữa chủ đầu tư và Nhà nước. Một số dự án như Saigon Gateway, Đạt Gia và nhiều khu chung cư khác đang trở thành tiêu điểm, làm nổi bật thực trạng người dân bị ảnh hưởng quyền lợi trong thời gian dài.

Người mua nhà vô tình trở thành “con tin”

Tại dự án Saigon Gateway, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hồ Chí Minh, ông Võ Trung Trực, đã gửi văn bản đến Sở Xây dựng, yêu cầu làm rõ vấn đề cấp sổ hồng cho cư dân.

Theo đó, các cơ quan liên quan xác nhận công trình đã thi công đúng thiết kế được phê duyệt. Tuy nhiên, việc cấp sổ hồng lại bị điều kiện hóa bởi yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ đóng góp kinh phí xây dựng nhà trẻ và nhà ở xã hội trong dự án.

Trước đó, Công ty CP Bất động sản Hiệp Phú Land (Công ty HPL), chủ đầu tư dự án, đã nhiều lần đề xuất phương án nộp hơn 5,1 tỷ đồng vào tài khoản của cơ quan chức năng theo suất đầu tư năm 2017 và cam kết bổ sung thêm nếu có phát sinh. Ban quản trị chung cư và cư dân cũng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên UBND TP.HCM yêu cầu sớm hoàn tất cấp sổ hồng, nhưng các vướng mắc về quy trình khiến việc giải quyết kéo dài.

Đại diện cư dân tại chung cư Saigon Gateway cho biết, việc chậm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước không phải lỗi của người mua căn hộ nhưng việc dừng cấp sổ hồng kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người mua nhà.

Cư dân chung cư Saigon Gateway liên tục căng băng rôn đòi sổ hồng

Tương tự, tại chung cư Đạt Gia (TP Thủ Đức), khoảng 970 căn hộ đã bàn giao nhiều năm nhưng cư dân vẫn chưa được cấp sổ hồng. Nguyên nhân là do sai phạm trong xây dựng, bao gồm việc tăng diện tích sàn và thay đổi thiết kế so với phê duyệt.

Dù các vi phạm này đã được Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện từ năm 2016, song việc xử lý không triệt để dẫn đến người mua nhà bị kéo vào vòng luẩn quẩn, trở thành "con tin" trong mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cơ quan quản lý.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn TP.HCM đang có 63 dự án của 17 doanh nghiệp với tổng cộng hơn 30.000 căn hộ bị chậm cấp sổ hồng. Trong số này, có 11 dự án của Tập đoàn Novaland và Tập đoàn Hưng Thịnh đã tạm nộp tiền sử dụng đất, nhưng sau thời gian dài, các cơ quan chức năng vẫn chưa thông báo số tiền cụ thể để chủ đầu tư nộp bổ sung hoặc hoàn trả.

Ngoài ra, các hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất cho những dự án chung cư có phần tầng hầm để xe vượt ra ngoài ranh diện tích khối đế cũng bị kéo dài. Điển hình như các dự án Sài Gòn Mia, chung cư Lô 3 và Lô 4 (thuộc cụm 1 của dự án khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), hay khu chung cư Him Lam Phú An tại TP Thủ Đức.

Chỉ nên dừng cấp sổ với diện tích thuộc sở hữu của chủ đầu tư

Không chỉ tại TP.HCM, tình trạng vướng mắc về pháp lý bất động sản cũng đang diễn ra tại Hà Nội, nơi hiện có 206 dự án với khoảng 62.000 căn hộ gặp sai phạm. Nguyên nhân bao gồm những vướng mắc về quy hoạch, chưa hoàn tất thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hoặc xây dựng sai phép. Nhiều chủ đầu tư tự ý tăng số tầng, chia nhỏ căn hộ, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, hoặc thực hiện chuyển nhượng dự án dưới hình thức chuyển giao giữa công ty mẹ và công ty con...

Việc chậm trễ này dẫn đến hệ lụy lớn, đặc biệt là gây bức xúc cho người mua nhà khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu sau nhiều năm. Đã có thời điểm, nhiều cư dân tại các dự án mang danh cao cấp như  Discovery Complex (302 Cầu Giấy), Dự án công trình hỗn hợp nhà ở, văn phòng và trung tâm thương mại (265 Cầu Giấy), chủ đầu tư là Tập đoàn FLC...phải căng băng rôn đòi quyền lợi, bày tỏ bức xúc vì dù bỏ ra nhiều tỷ đồng để mua nhà, nhưng lại như đang phải sống "chui" ngay trong chính căn hộ của mình.

Chung cư Thanh Hà Cienco 5 nhiều năm chưa có sổ

Do đó, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, nghĩa vụ tài chính giữa chủ đầu tư và Nhà nước cần được tách biệt để xử lý riêng. Theo đó, chỉ tạm dừng cấp sổ hồng đối với các căn hộ hoặc diện tích kinh doanh mà chủ đầu tư giữ lại, thay vì làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư ký quỹ một khoản tiền nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Luật sư Thu Hà (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định, tình trạng chậm cấp sổ hồng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người mua nhà. Người dân đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư và ký hợp đồng mua bán có công chứng, nên không thể bị liên đới bởi các tranh chấp hoặc nghĩa vụ tài chính chưa được giải quyết giữa chủ đầu tư và Nhà nước. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần áp dụng biện pháp buộc chủ đầu tư chịu trách nhiệm, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho cư dân.

Bà Hà đề xuất, cơ quan chức năng có thể áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản hoặc các diện tích chưa bán của chủ đầu tư để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tài chính. Việc phân tách trách nhiệm giữa chủ đầu tư và người mua nhà không chỉ giúp tháo gỡ ách tắc trong việc cấp sổ hồng mà còn đảm bảo quyền lợi chính đáng của cư dân.

Đồng thời, cần ban hành những quy định cụ thể, minh bạch về cách xử lý các dự án vi phạm, tránh để tình trạng kéo dài gây thêm bức xúc như hiện nay. Đây là vấn đề cần được UBND TP.HCMvà các sở ngành liên quan ưu tiên xử lý trong thời gian tới.